Làm gì để 4 triệu đàn ông Việt khỏi... ế vợ?!
Chiến dịch truyền thông giảm tình trạng “Mất cân bằng GTKS” do ngành Dân số TP Hà Nội tổ chức tại huyện Đông Anh. Ảnh: Dương Ngọc
Cơ sở thực tế để cuốn tài liệu được ra đời
Đây là bộ tài liệu được xây dựng khoa học, công phu, bố cục hợp lý, được trình bày dưới dạng hỏi – đáp giúp người đọc dễ tra cứu, dễ đọc, dễ nhớ. Nội dung trong cuốn sách phù hợp với điều kiện thực tế và quy định hiện hành. Làm thế nào để có thể sử dụng ngay khi cán bộ dân số cơ sở được tiếp cận tài liệu? Đây là nội dung chính được tập trung thảo luận tại Hội thảo “Giới thiệu tài liệu hỏi - đáp về mất cân bằng GTKS” do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng ngày 14/12.
Tham dự Hội thảo có đại diện Tổng cục DS-KHHGĐ, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ của các tỉnh/thành trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, TS Lê cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã “phác họa” bức tranh toàn cảnh về tình trạng mất cân bằng GTKS tại Việt Nam trong những năm qua. Đồng thời, nhấn mạnh những hệ lụy mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong thời gian tới nếu tỷ số GTKS tại Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng như hiện nay. TS Lê Cảnh Nhạc thông tin, mất cân bằng GTKS đang ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số của Việt Nam trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nhiều nam giới trong xã hội. Việc thiếu phụ nữ sẽ làm cho rất nhiều nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời để kết hôn. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng bốn triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.
"Sức ép kết hôn sẽ tạo ra những hậu quả về mặt xã hội và nhân khẩu học như phá vỡ cấu trúc gia đình; gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; số người di cư ra nước ngoài ngày càng nhiều sẽ gây nên những bất ổn về chính trị - xã hội”, TS Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh.
Theo Tổng cục DS -KHHGĐ, để ngăn chặn tình hình này, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong việc ngăn chặn lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới và nhiều văn bản khác. Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản trên vào thực tế chưa đem lại kết quả như mong muốn. Theo ước tính, hiện nay khoảng 80% phụ nữ mang thai, bằng nhiều cách vẫn biết được giới tính thai nhi.
Do vậy, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức biên soạn cuốn “Tài liệu hỏi - đáp về mất cân bằng GTKS” với mục tiêu giúp cho các cán bộ dân số, y tế hiểu rõ hơn về tác hại của việc lựa chọn giới tính thai nhi. Từ đó, nâng cao công tác truyền thông, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS tại Việt Nam.
đàn ông, tình trạng, cân bằng, giới tính, thành thị, nông thôn, hiện nay, biện pháp, can thiệp, kịp thời, tương lai, phụ nữ, tan vỡ
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc