Video mới nhất

Cập nhật 7h ngày 19/3: Thủ tướng Đức lần đầu phát thông điệp toàn quốc, Anh đóng cửa toàn bộ trường học, số ca mắc Covid-19 ở Nga tăng cao nhất

Đăng lúc: Thứ năm - 19/03/2020 15:58

Cập nhật 7h ngày 19/3: Thủ tướng Đức lần đầu phát thông điệp toàn quốc, Anh đóng cửa toàn bộ trường học, số ca mắc Covid-19 ở Nga tăng cao nhất

Cập nhật 7h ngày 19/3: Thủ tướng Đức lần đầu phát thông điệp toàn quốc, Anh đóng cửa toàn bộ trường học, số ca mắc Covid-19 ở Nga tăng cao nhất

TGVN. Trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Nhấn mạnh tình hình rất nghiêm trọng, Thủ tướng Merkel kêu gọi toàn thể dân chúng tuyệt đối tuân thủ các quy định và những hạn chế mà chính quyền liên bang và các bang đưa ra, nhấn mạnh, cần phải giảm thiểu tất cả những gì có thể gây nguy hiểm cho mọi người ở Đức.

Bà Merkel nêu rõ, cần phải tôn trọng việc duy trì khoảng cách lẫn nhau và việc đóng lại cuộc sống công cộng thường nhật là "vấn đề sống còn".

Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh, những quy định áp đặt cho mọi hành động hiện nay là nhằm làm chậm sự lây lan của virus, có thể kéo dài nhiều tháng và giúp giành lợi thế về mặt thời gian nhằm ứng phó với dịch bệnh. Theo bà, tất cả sẽ phụ thuộc vào việc mọi người tuân thủ và thực hiện các hạn chế mà không có ngoại lệ với bất cứ trường hợp nào.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Merkel cũng đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhấn mạnh, Chính phủ Đức sẽ nỗ lực hết sức để bù đắp cho những tác động về kinh tế do dịch gây ra, trong đó có việc phải bảo đảm việc làm cho người lao động. Bà nêu rõ, Chính phủ Đức có thể và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp các doanh nghiệp và người lao động" vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Nhà lãnh đạo Đức cũng trấn an những lo ngại của dân chúng về vấn đề nguồn cung lương thực, kêu gọi người dân chỉ mua lương thực ở mức vừa đủ, không tích trữ lương thực một cách "vô nghĩa", đồng thời khẳng định nhà nước sẽ luôn đảm bảo các nguồn cung cấp thực phẩm cho dân chúng.

Thủ tướng Merkel cũng cho biết, trong khi các nhà nghiên cứu đang làm việc với áp lực rất cao để phát triển thuốc và vaccine chống SARS-CoV-2 thì việc làm chậm sự lây lan của virus là cách duy nhất hiện nay để ứng phó với dịch hiện. Bà khẳng định, nước Đức có hệ thống y tế tuyệt vời, có thể nói là một trong những hệ thống y tế tốt nhất thế giới, song các bệnh viện cũng sẽ quá tải nếu phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân trong cùng một thời gian quá ngắn.

Không giống như những bài phát biểu thường niên dịp Năm mới, đây là bài phát biểu trực tiếp đầu tiên của bà Merkel đến toàn thể dân chúng Đức kể từ khi bà nắm quyền thủ tướng năm 2005, với mục đích là trấn an người dân và kêu gọi mọi người cùng nghiêm túc chung tay chống dịch.

Tính đến 19h ngày 18/3 (giờ địa phương) trên toàn nước Đức đã ghi nhận 12.327 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 28 ca tử vong do virus này.

Trong khi đó, Thành phố Mitterteich đã trở thành nơi đầu tiên ở Đức áp đặt lệnh giới nghiêm để ngăn dịch Covid-19 lây lan. Thành phố này có khoảng 7.000 dân, trực thuộc vùng Tirschenreuth, bang Bayern. Phát ngôn viên của vùng Tirschenreuth cho biết, tính đến chiều 18/3, toàn vùng đã có 47 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 25 ca ở thành phố Mitterteich.

Theo lệnh giới nghiêm, người dân Mitterteich vẫn được lái xe đi làm, mua đồ tạp hóa, đến các nhà thuốc hoặc nơi khám chữa bệnh. Giao thông hàng hóa cũng sẽ được duy trì. Tuy nhiên, mọi hoạt động sẽ được kiểm soát chặt và người dân được khuyến cáo giảm các liên hệ xã hội xuống mức tối thiểu.

* Số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho thấy, trong ngày 18/3, nước này ghi nhận thêm 4.207 ca nhiễm SARS-CoV-2, số ca nhiễm tăng cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 35.713. Số ca tử vong do Covid-19 tăng lên 2.978 trường hợp (tăng 475 ca), có 4.025 ca hồi phục (tăng 1.084 ca).

Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 14.363 ca nhập viện, 2.257 ca phải điều trị tích cực và 12.090 ca cách ly tại nhà. Vùng tâm dịch Lombardia trong ngày 18/3 ghi nhận thêm 1.959 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm của vùng này lên 17.713 ca. Tổng số ca tử vong của vùng là 1.959 trường hợp, tăng 319 trường hợp so với ngày 17/3.

Hãng thông tấn ANSA của Italy dẫn nguồn từ Viện Y tế Cao cấp nước này cho biết, tính đến ngày 17/3, tổng số nhân viên y tế bị mắc Covid-19 lên đến 2.629 người, tương đương 8,3% tổng số nhân viên y tế của cả nước. Tỷ lệ này cao gấp đôi tỷ lệ nhiễm bệnh của nhân viên y tế tại Trung Quốc.

* Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, tất cả các trường học trên cả nước sẽ đóng cửa từ ngày 20/3 do dịch Covid-19 diễn biến ngày càng xấu. Theo nhà lãnh đạo Anh, đây là biện pháp tăng cường cần thiết do số người mắc bệnh và tử vong đang gia tăng nhanh.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Anh có 104 người tử vong vì Covid-19 và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng thêm 676 người, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 2.626 người. Chính phủ Anh cho biết, sẽ nâng gấp đôi số người được kiểm tra, xét nghiệm tại vùng England, nơi dịch diễn biến nghiêm trọng, với 25.000 ca/ngày.

* Tại Pháp, dịch Covid-19 gây ra thêm 89 trường hợp tử vong và 1.404 người nhiễm bệnh trong 24 giờ qua. Như vậy, tính đến tối 18/3, Pháp xác nhận 9.134 bệnh nhân nhiễm và 264 ca tử vong kể từ khi dịch xuất hiện. Trong số 3.626 bệnh nhân phải nhập viện, có 921 người trong tình trạng được chăm sóc đặc biệt.

Hội đồng Bộ trưởng Pháp chiều 18/3 đã xem xét khả năng công bố "tình trạng khẩn cấp về y tế". Điều này sẽ cho phép Thủ tướng, thông qua các nghị định, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ như giới hạn tự do di chuyển, tự do hành động và tự do hội họp, cũng như tiến hành trưng dụng bất kỳ tài sản và dịch vụ cần thiết để chống lại thảm họa y tế.

Bộ trưởng Y tế cũng sẽ ở tuyến đầu trong khuôn khổ này, được phép quyết định những biện pháp chung và riêng khác nhằm đối mặt với khủng hoảng.

Cùng ngày, giới chức quốc phòng Pháp khẳng định, quân đội sẽ không được huy động trong việc kiểm soát các biện pháp hạn chế di chuyển, mà đó là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát và hiến binh. Tuy nhiên, quân đội đóng góp vào nỗ lực quốc gia chống lại dịch bệnh, thông qua các hoạt động hỗ trợ y tế như vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng quân sự.

Theo thông báo của Bộ Nhà ở Pháp, trung tâm cách ly đầu tiên dành cho người vô gia cư bị bệnh sẽ mở cửa tại Paris vào ngày 20/3. Paris sẽ có 2 trung tâm với tổng số 150 giường, để đón tiếp những người vô gia cư nhiễm SARS-CoV-2, song tình trạng chưa đến mức phải nhập viện.

Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Nga cho biết, trong ngày 18/3 nước này đã ghi nhận thêm 33 trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 147 người. Đây là số lượng nhiễm Covid-19 cao nhất trong ngày được ghi nhận.

Trong 33 trường hợp mới, 31 trường hợp được ghi nhận ở Moscow và 1 trường hợp ở mỗi tỉnh Tomsk và Novosibirsk. Tất cả các trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2 đều từ nước ngoài trở về, hầu hết các bệnh nhân trở về từ các nước châu Âu.

Bộ Y tế Nga cho biết, tính đến thời điểm này, có tổng cộng 17.904 người đang được giám sát y tế. Sau khi điều trị, 5 người được xuất viện về nhà và cho đến nay, tổng cộng Nga đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 122.854 người.

Giữa tháng 3, Chính phủ Nga đã soạn thảo một kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế và công dân do nguy cơ lây lan SARS-CoV-2. Kế hoạch này sẽ lập ra một quỹ chống khủng hoảng với số tiền 300 tỷ Rubble (khoảng 3,7 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay). Ngoài ra, Chính phủ Nga sẵn sàng tăng khối lượng bảo lãnh nhà nước và các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp.

Trước đó, trong vòng 1 tháng, Nga đã dỡ bỏ hạn chế tại các thành phố để vận chuyển cho các chuỗi bán lẻ và lập một hành lang xanh để nhập khẩu hàng hóa.

Ngày 18/3, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã ra lệnh cho các cơ quan nhà nước, Ngân hàng Trung ương và Cơ quan Thuế Liên bang (FTS) đến ngày 1/5 không tiến hành thủ tục phá sản đối với các công ty nợ ngân sách khu vực, cơ quan hành pháp và các tổ chức trực thuộc.

Thủ tướng Nga cũng chỉ thị cho Cơ quan Thuế Liên bang "miễn thuế" cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch và vận tải hàng không. Chính phủ đã phân bổ 11,8 tỷ Rubble từ quỹ dự phòng để hỗ trợ tài chính cho nhân viên y tế xét nghiệm và điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2.

* Bộ Y tế Belarus cho biết, tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng lên 51 người, trong đó, 5 người đã được chữa khỏi và xuất viện, 3 người khác đang làm xét nghiệm bổ sung và dự kiến sẽ sớm được xuất viện.

Belarus đã tiến hành giám sát y tế 1.960 công dân trở về từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao. Gần 2.700 người bị cách li trong 14 ngày đã được bãi bỏ giám sát y tế.

* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lên tiếng kêu gọi người dân nước này ở nhà trong vòng 3 tuần và hạn chế tối đa tiếp xúc cộng đồng trừ trường hợp đặc biệt cần thiết, cho đến khi chấm dứt nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đối với người lao động, cần trở về nhà ngay khi kết thúc ngày làm việc.

Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này sẽ hoãn thanh toán nợ tối thiểu 3 tháng cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giảm thuế giá trị gia tăng cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Đây là một phần trong gói tài chính trị giá 100 tỷ Lira (15,4 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi các ngân hàng không hạn chế khoản vay cho những doanh nghiệp không cắt giảm việc làm, đồng thời cam kết hỗ trợ cho hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines. Bên cạnh đó, thuế VAT đối với ngành hàng không trong nước cũng được cắt giảm từ 18% xuống 1%.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định ngừng hoạt động xuất nhập cảnh với Hy Lạp và Bulgaria nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, một số cửa khẩu vẫn được mở để phục vụ cho hậu cần. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các buổi cầu nguyện ở nhà thờ, tạm thời đóng cửa các quán cà phê, trung tâm giải trí, cũng như mở rộng lệnh cấm bay tới 20 quốc gia, trong đó phần lớn là các điểm đến châu Âu.

* Ngày 18/3, người đứng đầu Trung tâm Thông tin và Dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (BNPB) Indonesia cho biết, có khoảng 8.000 tín đồ là người Hồi giáo đã tập trung để tham gia một cuộc họp tôn giáo Ijtima Dunia 2020 Khu vực châu Á được tổ chức ở Gowa, Nam Sulawesi từ ngày ngày 19-22/3. Sự kiện này được cho có sự tham gia của 48 quốc gia. Đây cùng là một nhóm tham gia sự kiện Ijtima Tabligh ở Malaysia cách đây 2 tuần trước, đã lây nhiễm SARS-CoV-2 cho hơn 500 người.

Chính quyền khu vực Gowa đã yêu cầu các nhà tổ chức và ủy ban Ijtima Dunia hoãn các hoạt động này.

Ngày 18/3, Indonesia đã xác nhận 227 trường hợp mắc Covid-19, với 19 người tử vong.

* Tại Việt Nam, tính đến 7h ngày 19/3 đã ghi nhận 76 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 16 người mắc bệnh tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi hoàn toàn. BN18 đang điều trị tại Ninh Bình đã xét nghiệm 2 lần đều cho kết quả âm tính. Theo bác sĩ bệnh viện Đa khoa Ninh Bình, bệnh nhân đã đủ điều kiện xuất viện. Sau khi xuất viện, bệnh nhân tiếp tục cách ly tại nhà trong 14 ngày theo quy định. 49 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các bệnh viện trên cả nước.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có 122 trường hợp nghi nhiễm đang được cách ly theo dõi chặt chẽ. 41.918 trường hợp tiếp xúc với các ca nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).


Nguồn tin: tgvn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

Những tin cũ hơn