Video mới nhất

Omega - 3 Trung Quốc: ‘Ăn mòn’ xốp, có ăn mòn dạ dày?

Đăng lúc: Thứ năm - 07/01/2016 09:26

Chuyên gia hóa học trường ĐH Khoa học Tự nhiên khẳng định, bất kỳ một loại dầu cá nào khi nhỏ vào miếng xốp thì miếng xốp cũng bị mềm ra hoặc xẹp xuống nhưng không bị tan ra...
Gần đây, dư luận đang vô cùng hoang mang trước những thông tin về cuộc thí nghiệm giữa hai sản phẩm Omega - 3 nhãn mác xuất xứ từ Trung Quốc và Omega-3 nhãn mác xuất xứ từ Mỹ.Cuộc thử nghiệm sản phẩm của hai quốc gia này trên cùng một miếng xốp trắng, trong vòng chưa tới 10 phút, sản phẩm Omega 3 có nhãn mác sản xuất từ Trung Quốc có hiện tượng ăn mòn và gây thủng miếng xốp. Trong khi đó, sản phẩm dầu cá từ Mỹ không có phản ứng như vậy.
   Omega - 3 Trung Quốc: ‘Ăn mòn’ xốp, có ăn mòn dạ dày? - Ảnh 1

Dầu cá làm tan miếng xốp khiến dư luận hoang mang.

 
 

 

Để rộng đường dư luận, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia hóa học, PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hoá học – Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN), ông cho biết: “Với dầu cá nguyên chất chiết xuất từ gan, mỡ cá, bản thân chúng cũng là hỗn hợp của các axit béo. Nếu nhỏ dung dịch này vào miếng xốp thì một thời gian ngắn chúng sẽ bị mềm ra, hoặc có thể bị xẹp xuống. Trên thực tế một số nước chiết xuất dầu cá từ gan cá hồi thì loại này có nồng độ omega 3 cao, những este của axit béo dễ tiêu thì mạch ngắn hơn, khiến khả năng miếng xốp bị xẹp nhanh hơn”.

“Như chúng ta đã biết, nguyên lí hoạt động của miếng xốp, chúng có thể tan được trong hầu hết các dung môi hữu cơ ít phân cực và không phân cực. Ví dụ trong acetone, miếng xốp bị hòa tan rất nhanh. Chất hòa tan đó có thể sử dụng làm keo dán được. Nên sự việc miếng xốp bị xẹp xuống khi nhỏ chất chiết xuất từ gan cá là chuyện có thể xảy ra”, PGS Côn cho biết thêm.

   Omega - 3 Trung Quốc: ‘Ăn mòn’ xốp, có ăn mòn dạ dày? - Ảnh 2

PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hoá học – Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN) trao đổi với PV.

PGS Đại học Khoa học Tự nhiên phân tích: “Xét ở một góc độ khác, nếu loại dầu cá nước ta nhập về không có đăng ký sản xuất, sản phẩm trôi nổi trên thị trường thì chúng ta cũng không thể đánh giá được chất lượng dầu cá đó. Cũng có thể từ nguồn dầu cá thực nhà sản xuất nhập về, sau đó pha loãng số dầu cá với dung môi hữu cơ để tan dầu mỡ. Dung môi hữu cơ vốn là chất ít phân cực. Nếu lượng dung dịch này càng nhiều, thì độ phân cực càng thấp khiến độ hòa tan xốp càng nhanh. Thực tế, dầu cá omega-3 của một số hãng sản xuất có đăng ký, có kiểm duyệt thì không có vấn đề gì đáng lo ngại. Nhưng nếu sản phẩm đó trôi nổi thì chúng ta phải hết sức cảnh giác”.

“Sản phẩm dầu cá omega 3 hòa tan miếng xốp nhanh thì chắc chắn trong dầu cá có chứa dung môi hữu cơ ít phân cực hoặc không phân cực thì mới hòa tan nhanh như vậy”, PGS Côn khẳng định.

Theo PGS, bất kỳ một loại dầu cá nào khi nhỏ vào miếng xốp thì miếng xốp cũng bị mềm ra hoặc xẹp xuống. Ví dụ điển hình như khi chúng ta nhúng miếng xốp vào xăng xe thì miếng xốp bị teo đi, nhưng chúng không bị tan ra. Nếu nhúng miếng xốp vào dung dịch este mạch ngắn và dung môi hữu cơ nào đó rẻ tiền thì miếng xốp đó bị hòa tan rất nhanh.

Trước câu hỏi liệu những dung dịch có thể ăn mòn xốp thì có ăn mòn dạ dày hay ruột người sử dụng chúng hay không, vị chuyên gia cho hay: “Những este của axit béo trong dầu cá thật, khi vào trong cơ thể mình thì nó cũng giống các loại dầu khác, không có gì khác biệt. Chúng vẫn như một loại mỡ. Nhưng nếu nhà sản xuất pha thêm những dung môi ít phân cực thì phải tùy vào việc xác định dung môi đó là gì và ở một lượng như thế nào? Nếu pha với liều lượng nhiều quá thì sẽ gây ngộ độc cho người sử dụng".

Trước những thông tin xôn xao về omega - 3 nói trên, PGS. TS Trần Hồng Côn khuyến cáo cho người sử dụng nên lựa chọn những loại dầu cá có nguồn gốc sản xuất rõ ràng và uy tín, để tránh những rủi ro đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cù Hiền


Nguồn tin: NĐT
Từ khóa:

có ăn, dầu cá

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

Những tin cũ hơn