Video mới nhất

Đi xe cổ, phải khổ mới...sướng

Đăng lúc: Thứ tư - 11/03/2015 11:30

“Phàm làm người phải đam mê chơi một cái gì đó thì mới là người hoàn thiện. Cái để gì không ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc gia đình, không vướng vào tệ nạn xã hội thì ta chơi”
- đây là “tuyên ngôn” sống khá đặc biệt của ông Lê Hữu Tiến (50 tuổi, chủ quán cà phê Nhạc xưa ở đường Bình Kiều 1, phường Đông Hải 2, quận Hải An) khi tâm sự với chúng tôi về thú đam mê tốn kém tiền tỷ của mình…

Một gia tài

Quán cà phê Nhạc xưa có thể nói thuộc vùng sâu, vùng xa, ấy thế mà lúc nào cũng khá đông khách ở mọi lứa tuổi. Nhiều người tới đây không chỉ để được thưởng thức những ly cà phê thơm ngon do ông chủ Tiến cất công vào tận Tây Nguyên mua về, tự rang, xay, tẩm ướp để cho ra thứ cà phê đậm đà, tinh khiết mà còn để có cơ hội chiêm ngưỡng một thế giới đồ cổ hết sức phong phú. Từ những chiếc ô tô, xe máy cổ, đến những chiếc đồng hồ treo tường sản xuất từ đầu thế kỷ hai mươi, hay những chiếc máy hát đời đầu và hàng nghìn đĩa nhạc cổ. Đặc biệt, “thượng đế” còn được đắm mình trong những bản nhạc cổ kinh điển được phát ra từ hệ thống âm thanh cũng rất độc do ông Tiến sáng tạo nên.

Ông Tiến với chiếc máy hát cổ

Là tín đồ của Mozart, Beethoven, Chopin, Schubert, ông Tiến coi niềm đam mê nhạc cổ điển của mình như một gia tài quý giá đến mức không của cải vật chất nào có thể đánh đổi được. Ông Tiến kể rằng, ông đến với nhạc cổ điển từ mấy chục năm trước. Lần đầu tiên được nghe những âm thanh réo rắt, trầm bổng diệu kỳ của chiếc vỹ cầm từ một người nghệ sỹ, cũng là lúc ông Tiến chết mê chết mệt thứ âm nhạc kén người nghe này.

Lúc bấy giờ, những buổi biểu diễn nhạc cổ điển ở Hải Phòng rất hiếm, hầu như rất ít người quan tâm, có tổ chức cũng chẳng có mấy khán giả. Không có nhiều điều kiện thưởng thức nhạc cổ điển ở nơi khác, ông Tiến quyết định biến nhà mình thành “nhà hát” đặc biệt, mà nơi đó ông đã thể hiện được khả năng thiên bẩm của mình trong việc phối ghép hệ thống âm thanh nghe không khác gì nhà hát giao hưởng vậy.

Đó là ông đã nghiên cứu để chế ra bộ loa kèn 4 đường tiếng (dùng Crossover phân tần chủ động), một lúc dùng 4 âm ly để có thể thưởng thức được mọi cung bậc của nhạc cổ điển. “Phát minh” của ông đã được một số kỹ sư chuyên mảng âm thanh nhận xét hết sức độc đáo và đạt hiệu quả cực đỉnh đối với nhạc giao hưởng. Không những vậy, ông Tiến còn sở hữu hàng nghìn chiếc đĩa than nhạc cổ điển bất hủ…

Để chia sẻ và tìm kiếm người có cùng đam mê, ông Tiến đã mở quán cà phê Nhạc xưa ngay tại “nhà hát” của mình. Ngoài việc bài trí theo phong cách cổ xưa đầy sự lãng mạn, “đặc sản” của Nhạc xưa chính là những bản nhạc cổ điển lúc réo rắt, lúc du dương, lúc sâu lắng, khiến thực khách tìm thấy sự thanh thản, tĩnh tâm khi nhâm nhi ly cà phê đậm đà, thuần khiết.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, có lúc mở nhạc cổ điển, nhiều nam thanh nữ tú tỏ ý không ưa, bảo chủ quán thay nhạc khác. Họ thích những bản nhạc sến, nhạc trẻ với những ngôn từ yêu đương, sướt mướt. Đây là sự thiệt thòi cho không ít người. Bởi nhạc cổ điển - nhạc quý tộc là món ăn tinh thần không thể thiếu ở nhiều nước, có sức lay động, tác động đến tâm thức con người một cách sâu xa…

Đi xe cổ, phải khổ mới… sướng

Ngoài nhạc cổ, niềm đam mê khác không hề nhỏ của ông Tiến đó xe cổ. Hiện ông đang sở hữu 2 chiếc ô tô cổ hiệu Peugeot 203 do Pháp sản xuất trị giá cả tỷ đồng.

Nói về dòng xe cổ này, ông Tiến cho biết, 203 cũng là mẫu xe đầu tiên của Peugeot kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong 12 năm sản xuất, gần 700.000 xe được xuất xưởng khỏi nhà máy ở Sochaux (Pháp). 203 còn là kiểu thân xe nguyên khối đầu tiên của Peugeot. Xe sử dụng động cơ 4 xi-lanh dung tích 1.290 phân khối. Vào thời điểm xuất hiện, 203 có công suất 41 mã lực và tăng lên thành 44 mã lực vào năm 1952. Đây là loại xe khá lành máy, sửa chữa cũng không quá phức tạp, tuy nhiên phụ tùng thay thế thì rất khó kiếm, phải chịu khó lần mò trên mạng hoặc các nhóm chơi xe cổ may ra mới có.

Đi xe cổ phải khổ mới… sướng

Ngoài ô tô cổ, ông Tiến còn có 3 chiếc xe máy cổ, trong đó 2 con Lambretta đời 57 và 60 rất giá trị. Xe Lambretta tuy trông bề ngoài giống Vespa với những đường cong hết sức quyến rũ, thanh nhã đến mê hoặc nhưng dòng xe này lại sang số bằng tay nên không dễ sử dụng. Ông Tiến tâm sự: “Chơi dòng xe cổ điển là khá phức tạp, mình phải có kiến thức am hiểu, tường tận từng chi tiết thì mới dám chơi. Đối với mình, mỗi chiếc xe giống như một đứa con tinh thần, giá trị của nó nằm ở mức độ cổ đến đâu và độ “zin” còn bao nhiêu.

Chơi xe cổ cũng phải có duyên nữa và quan trọng phải là những người có thời gian, bởi xe cổ thường hay “dở chứng” mà không dễ gì khắc phục được ngay. Thế nên nhiều khi đang bon bon trên đường, bỗng khự, thế là người cùng xe phải… tập thể dục hàng mấy cây số. Tuy nhiên, những ai trót đam mê xe cổ thường động viên nhau: “Đi xe cổ, phải khổ thì nó mới sướng” - sướng ở đây không phải là chuyện thường xuyên đẩy bộ mà là việc mình đang sử dụng con xe thiệt là cổ”.

Bộ sưu tập đồng hồ Cuckoo có một không hai ở Hải Phòng

Không riêng gì xe và nhạc cổ, một thứ mà ai đến Nhạc xưa cũng xuýt xoa đó là bộ sưu tập đồng hồ cổ của ông Tiến. Đặc biệt, với hơn 20 chiếc đồng hồ Cuckoo (trong đó có nhiều chiếc 3 tạ) của Đức, có thể nói đây là bộ sưu tập mà ở Hải Phòng không có người thứ hai sở hữu.

Theo ông Tiến, điều thú vị là Cuckoo là loại đồng hồ cơ, sử dụng con lắc để điều chỉnh giờ. Cứ mỗi khi chuyển sang khung giờ mới, tiếng chim cúc cu sẽ vang lên nghe rất vui tai. Có hai loại đồng hồ Cuckoo, một loại chỉ hoạt động được khoảng 1 ngày sau mỗi lần lên dây cót, còn một loại thì có thể duy trì tới 1 tuần. Cuckoo 2 tạ thì không có nhạc, còn 3 tạ thì có nhạc.

Ông Tiến rất yêu những chiếc Cuckoo của mình

Phải nói rằng, mỗi chiếc đồng hồ Cuckoo là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt mà trong đó chứa đựng tính mỹ quan của người chế tác, truyền thống lịch sử lâu đời của vùng Black Forest (Đức). Qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, trên những chiếc đồng hồ, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được quang cảnh, kiến trúc của vùng Black Forest từ ngàn đời nay, cảnh sinh hoạt thường nhật của những người dân nơi đây, các lễ hội, phong tục truyền thống trong vùng...

Đặc biệt hơn, do chế tác bằng tay nên không bao giờ có sự trùng lặp hoàn toàn giữa hai sản phẩm…

Ông Tiến còn kể cho tôi nghe về lần đầu chơi chiếc Cuckoo 3 tạ (mua của một lái buôn đồ cổ): Mỗi lần nghe tiếng cúc cu là sướng rơn, tự hào lắm. Tuy nhiên, do thời tiết nên bộ hơi của đồng hồ bị hỏng. Buồn lắm, đem đồng hồ đến nhiều tiệm để sửa mà không được, thế là về nhà tự mày mò sửa, vậy mà thành công, giờ kêu rất ngon, chẳng khác gì nguyên bản…

Chia tay ông Tiến, chúng tôi ra về nhưng vẫn vọng trong tai tiếng nhạc cổ điển réo rắt, du dương thật êm đềm…

Theo ĐỨC TÙNG (Anhp.vn)


Nguồn tin: infonet
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn