Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 19/3: Thế giới có 8.940 người chết, ca nhiễm và tử vong tăng vọt ở châu Âu
- Thứ năm - 19/03/2020 01:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 8.973 người trên thế giới. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục (2.987 ca), tiếp theo là Iran (1.135 ca) và Tây Ban Nha (638 ca).
Trước đó trong ngày 18/3, có thời điểm số ca tử vong do COVID-19 tại châu Âu đã lần đầu tiên vượt số ca tử vong ở châu Á: Châu Âu ghi nhận ít nhất 3.421 trường hợp tử vong, so với 3.384 trường hợp tử vong ở châu Á. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất ở châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thừa nhận rằng giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết các quốc gia thành viên sẽ tự quyết những lệnh giới nghiêm và các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ phối hợp rất chặt chẽ với nhau để chống dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp đã khiến nhiều nước phải đưa ra những quyết định khẩn cấp. Sau Italy và Tây Ban Nha, Pháp cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa trong ít nhất 15 ngày. Bỉ yêu cầu các công dân ở nhà tới ít nhất là ngày 5/4.
Tại Anh, Thủ tướng nước này Boris Johnson tuyên bố tất cả các trường học trên cả nước sẽ đóng cửa từ ngày 20/3 do dịch COVID-19 diễn biến ngày càng xấu. Theo nhà lãnh đạo Anh, đây là biện pháp tăng cường cần thiết do số người mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 đang gia tăng nhanh.
Chính phủ Anh đã công bố một dự luật khẩn cấp nhằm ứng phó với dịch COVID-19, trong đó có đề xuất cho phép cảnh sát bắt giữ những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để đưa đi xét nghiệm.
Anh có 104 người tử vong vì COVID-19 và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng thêm 676 người, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 2.626 người. Chính phủ Anh cho biết sẽ nâng gấp đôi số người được kiểm tra, xét nghiệm tại vùng England, nơi dịch diễn biến nghiêm trọng, với 25.000 ca/ngày.
Tại Đức, trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên, Thủ tướng Angela Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhấn mạnh tình hình là rất nghiêm trọng, kêu gọi mọi người cùng nghiêm túc trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng Merkel kêu gọi toàn thể dân chúng tuyệt đối tuân thủ các quy định và những hạn chế mà chính quyền liên bang và các bang đưa ra, nhấn mạnh rằng cần phải giảm thiểu tất cả những gì có thể gây nguy hiểm cho mọi người ở Đức. Bà nêu rõ cần phải tôn trọng việc duy trì khoảng cách lẫn nhau và việc đóng lại cuộc sống công cộng thường nhật là "vấn đề sống còn". Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh những quy định áp đặt cho mọi hành động hiện nay là nhằm làm chậm sự lây lan của virus, có thể kéo dài nhiều tháng và giúp giành lợi thế về mặt thời gian nhằm ứng phó với dịch bệnh. Theo bà, tất cả sẽ phụ thuộc vào việc mọi người tuân thủ và thực hiện các hạn chế mà không có ngoại lệ với bất cứ trường hợp nào.
Thành phố Mitterteich đã trở thành nơi đầu tiên ở Đức bị áp đặt lệnh giới nghiêm để ngăn dịch COVID-19 lây lan. Thành phố này có khoảng 7.000 dân, trực thuộc vùng Tirschenreuth thuộc bang Bayern.
Tính đến 6h ngày 19/3 (giờ Việt Nam) trên toàn nước Đức đã ghi nhận 12.327 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 28 ca tử vong do virus này.
Tại Italy, tính tới 6h ngày 19/3, Italy ghi nhận thêm 4.207 ca nhiễm SARS-CoV-2, số ca nhiễm tăng cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 35.713 trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 tăng lên 2.978 trường hợp (tăng 475 ca).
Virus SARS-CoV-2 đang lan rộng khắp Thụy Sĩ. Nước này đã ghi nhận trên 3.115 trường hợp dương tính với 33 ca tử vong trên cả nước tính đến sáng 19/3. Chính quyền Thụy Sĩ khẳng định đảm bảo đủ kho dự trữ thực phẩm cho người tiêu dùng trong hơn 4 tháng để đối phó với COVID-19.
Tại Nga, các biên giới đã đóng cửa với người nước ngoài trong khi các trường học cũng sẽ tạm ngừng hoạt động từ ngày 23/3 tới 12/4, mọi chuyến bay tới Anh, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng sẽ bị hoãn từ ngày 20/3.
Mỹ-Canada đóng cửa biên giới với nhau
Ngày 18/3, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch COVID-19. Trước đó, dự luật này cũng đã được Hạ viện thông qua ngày 16/3. Dự luật có các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. Ngoài ra, người lao động vẫn được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm.
Đây là gói hỗ trợ thứ hai được Quốc hội Mỹ thông qua trong trong bối cảnh ngày càng có những lo ngại về sự bùng phát dịch COVID-19 tại Mỹ, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Sau khi được lưỡng viện Quốc hội thông qua, gói hỗ trợ này dự kiến sẽ nhanh chóng được Tổng thống Donald Trump ký duyệt, vì trước đó nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã bày tỏ ủng hộ dự luật này trong một tuyên bố trên trang mạng Twitter.
Ngoài gói hỗ trợ trên, các thượng nghị sĩ Mỹ đang tiếp tục thảo luận về gói hỗ trợ thứ ba với dự kiến sẽ thông qua vào tuần tới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực việc làm và các gia đình, trong đó có khoản tiền mặt phát cho người dân Mỹ.
Hiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên khắp các bang và vùng lãnh thổ của Mỹ, khiến chính quyền Tổng thống Trump phải đưa ra một loạt biện pháp đối phó mạnh mẽ như đóng cửa biên giới với Cananda, kích hoạt Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) trên toàn quốc và xem xét viện dẫn Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm tăng cường sản xuất những vật tư y tế thiếu hụt, nâng cao năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hay điều tàu Hải quân tới thành phố New York và bờ Tây để hỗ trợ các bệnh viện.
Mỹ có 9,235 ca nhiễm virus và 150 ca tử vong tính tới 6h ngày 19/3.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết nước này sẽ hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và nghiên cứu triển khai các biện pháp khẩn cấp để làm chậm lại đà lây lan của đại dịch này.
Các biện pháp khác có thể sẽ được chính phủ cân nhắc như tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn nhiều hơn, giúp đỡ những người gặp khó khăn khi vay thế chấp, tăng phúc lợi chăm sóc trẻ em và hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập thấp. Mọi người dân cũng sẽ được gia hạn thời gian để khai thu nhập đóng thuế.
Tính tới 6h ngày 19/3, Canada có 656 ca nhiễm virus và 9 ca tử vong vì COVID-19.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ và Canada sẽ tạm thời đóng cửa đường biên giới chung, song khẳng định biện pháp này không ảnh hưởng đến hoạt động giao thương giữa hai nước.
Châu Á – Dịch tại Iran vẫn nghiêm trọng
Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tại Iran khi quốc gia này ghi nhận thêm 147 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại nước này lên 1.135 trường hợp. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua của Iran là 1.192 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm tại nước CH Hồi giáo này lên 17.361 trường hợp. Dù chưa ban bố lệnh hạn chế đi lại, song giới chức Iran đã kêu gọi người dân ở nhà trong dịp kỳ nghỉ Năm mới dự kiến bắt đầu từ ngày 20/3 cho đến đầu tháng 4 tới.
Tại Singapore, số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong 24 giờ qua với 47 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc đảo này lên 313 ca. Trong số 47 ca nhiễm mới, có 33 ca nhiễm từ nước ngoài, 9 ca liên quan tới các ca nhiễm trước và 5 ca nhiễm mới chưa rõ nguồn gốc lây nhiễm.
Trước tình hình số ca nhiễm tiếp tục tăng cao trong 10 ngày qua, chủ yếu là các ca lây bệnh từ nước ngoài trở về, Bộ Y tế Singapore khuyến cáo tất cả các công dân Singapore dừng ngay các chuyến đi ra nước ngoài nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Malaysia đã ghi nhận thêm 117 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên thành 790 người. Bộ Y tế Malaysia cho biết 80 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới có liên quan tới buổi tụ tập của 16.000 người tại một đền thờ Hồi giáo gần thủ đô Kuala Lumpur.