Scandal của Volkswagen năm 2015: Cái giá của việc chọn sai công nghệ

Ảnh hưởng đến 11 triệu xe hơi trên toàn cầu, tổng thiệt hại 86 tỷ USD, có thể dẫn đến sự phá sản của hãng xe hàng đầu thế giới, vụ gian lận khí thải của Volkswagen chính là scandal lớn nhất trong năm 2015. Tất cả đều bắt nguồn từ một sai lầm về chiến lược công nghệ.
.
Vụ gian lận ầm ỹ nhất ngành ôtô
 
Sự việc bắt đầu vào tháng 9/2015 khi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phát hiện nhiều xe hơi động cơ diesel của Volkswagen cài một phần mềm gian lận. Phần mềm này có thể phát hiện thời điểm bị kiểm tra khí thải và kích hoạt các cơ chế lọc tích cực để đối phó. Nhờ đó, xe của Volkswagen qua mắt cơ quan quản lý, thậm chí khi mức khí thải cao gấp 40 lần mức cho phép.
 
Sự kiện lập tức gây xôn xao dư luận. Volkswagen thừa nhận có tới 11 triệu xe trên toàn cầu thuộc các thương hiệu Volkswagen, Audi, Skoda và Seat được cài đặt thiết bị gian lận. Nhà chức trách của Anh, Italy, Pháp, Hàn Quốc, Canada và Đức đã lần lượt mở các cuộc điều tra đối với hãng này.Volkswagen dự kiến sẽ phải thu hồi 8,5 triệu xe tại châu Âu và 500.000 xe tại Mỹ. Chi phí mà hãng này dự định dành ra để xử lý vụ việc là 7,3 tỷ USD. Khoản tiền phạt tại Mỹ có thể lên đến 18 tỷ USD. Tổng thiệt hại đến 86 tỷ USD. Các chuyên gia khẳng định, scandal Volkswagen còn nghiêm trọng hơn cả sự sụp đổ của Tập đoàn Enron năm 2001 và hãng sẽ rất khó gượng dậy sau cú sốc.
 
Chắc chắn khi quyết định áp dụng biện pháp gian lận, Volkswagen hiểu rằng sớm muộn gì sự thật cũng sẽ bị phơi bày. Họ cũng đủ hiểu biết để lường trước hậu quả của sự gian lận. Nhưng tại sao Volkswagen lại chấp nhận rủi ro quá lớn như vậy?
 
Mật độ năng lượng ở dầu diesel cao hơn xăng, động cơ diesel đạt hiệu suất kinh tế cao hơn động cơ xăng rất nhiều. Nhưng các hóa chất chưa rõ ràng nằm trong nhiên liệu diesel khiến cho việc kiểm soát khí thải rất khó khăn. Nhiệt độ và áp suất vận hành tối ưu về mặt nhiên liệu cũng là sinh ra lượng NOx (ôxít nitơ) lớn nhất.
 
NOx được kiểm soát nghiêm ngặt vì môi trường và sức khỏe. Do đó, nhà sản xuất động cơ diesel luôn phải đứng trước sự lựa chọn giữa công năng của động cơ, hiệu quả sử dụng nhiên liệu và mức độ phát thải.
 
Ông Don Hillebrand - Giám đốc nghiên cứu các hệ thống năng lượng tại Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne tại Illinois (Mỹ) - nhận định: “Trong ba yếu tố gồm sức mạnh động cơ, năng lượng và mức độ phát thải khí, chỉ có thể chọn lấy hai yếu tố. Volkswagen đã không lựa chọn yếu tố về mức độ phát thải khí”.
 
Vấn đề mà Volkswagen gặp phải chính là lượng khí thải NOx. Volkswagen đã ưu tiên sao cho xe của họ có sức mạnh tốt nhất, mức tiêu thụ năng lượng kinh tế nhất và hy sinh các tiêu chuẩn pháp lý về mức độ phát thải khí cho phép.
 
Nước cờ sai về công nghệ
 
Sẽ không có scandal này nếu Volkswagen không đi sai nước cờ chiến lược về công nghệ trước đó.
 
Mỗi hãng xe có một chiến lược riêng để đạt mức khí phát thải cho phép. Chẳng hạn, Mercedes-Benz bơm chất lỏng urea để chuyển hóa NOx thành các chất ít độc hơn. Công nghệ này không giảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu và công suất động cơ, nhưng cần thêm một bồn chứa độc lập để chứa urea.
 
Còn Volkswagen đầu tư hàng triệu USD để phát triển các loại “bẫy” giúp thu hồi khí NO và NO2 giống như bọt biển. Khi bẫy đầy, hệ thống sẽ bơm nhiên liệu vào, sau đó đẩy ra chất thải. Nhiên liệu này phản ứng với NOx để tạo thành các hợp chất lành hơn. Thông thường bộ lọc vận hành 10 phút một lần, mỗi lần 10 giây.
 
Công nghệ bẫy nhiên liệu chính là sai lầm chiến lược của Volkswagen. Hệ thống này tiêu tốn nhiều nhiên liệu, làm giảm công năng của xe, suy giảm nghiêm trọng sức cạnh tranh của “con bọ”.
 
Sai lầm nối tiếp sai lầm, Volkswagen quyết định lấp liếm bằng biện pháp lừa dối và kết cục là những gì chúng ta đã chứng kiến trong scandal lớn nhất năm 2015.
Bài toán về sự cân bằng giữa hiệu năng và khí thải không hẳn là không thể giải quyết. Các nghiên cứu mới đã chỉ ra một số giải pháp, chẳng hạn sử dụng các hệ thống đốt cháy nhiên liệu nhiệt độ thấp.
 
Phát triển công nghệ cho tương lai chưa bao giờ dễ dàng. Việc ứng dụng công nghệ mới luôn cần vốn đầu tư lớn, hoạt động thử nghiệm nghiêm túc và sự kiên định. Nhưng sự phát triển không bao giờ đồng nghĩa với lừa dối. Volkswagen không thể kiên nhẫn, đã chọn giải pháp gian lận và phải trả giá đắt cho sai lầm này.
 
Lê Ngọc

Nguồn tin: KHPT