Đàn ngựa Tây tiền tỉ cưỡi máy bay về Hà Nội

Giữa trung tâm Hà Nội “tấc đất tấc vàng”, anh dám nhập đàn ngựa 16 con, trong đó nhiều con từ châu Âu, từng con lần lượt cưỡi máy bay về Việt Nam. Người đàn ông "chịu chơi" này còn dành khoảng 5.000m2 đất làm bãi chăn thả, bãi tập cho ngựa...
Một góc trang trại ngựa của anh Thắng
Ngựa châu Âu cưỡi máy bay về Việt Nam
Thú chơi tốn tiền nêu trên là của “đại gia chơi ngông” Ngô Lê Thắng (SN 1968, ngụ khu văn hóa nghệ thuật Mai Dịch, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội). 
Đi vào ngõ A36, đường Hồ Tùng Mậu khoảng 100m là tới trang trại ngựa của anh Thắng, rộng khoảng 0,5ha. Đàn ngựa 16 con tập trung hết ở bãi chăn thả, xung quanh quây bằng hàng rào gỗ, khách lần đầu đến thăm ngỡ như lạc vào thảo nguyên nào đó bên trời Âu. 
Anh Thắng cho hay bắt đầu thú “sưu tầm” ngựa từ khoảng năm năm nay. “Để sở hữu một đàn ngựa gần hai chục con thế này, quả là một quá trình kỳ công”, anh nói.
Những con ngựa ở đây đều có vóc dáng cao lớn bất thường, hơn hẳn những con ngựa khác từng thấy ở Việt Nam. Chủ nhân giải thích, đàn ngựa chủ yếu được nhập về từ nước ngoài như Đức, Anh, Nga, Lào… Chiều cao các chú ngựa này khoảng 1,73m. Đó mới chỉ là chiều cao tính từ chân đến lưng. Nếu tính đến đầu, những con ngựa này cao hơn 2m. 
Đàn ngựa gần 20 con được phân loại thành ngựa đua, ngựa kéo, ngựa nhảy vượt rào… trong đó đám ngựa nhảy vượt rào đều có “quốc tịch” châu Âu. 
Để có “bộ sưu tập” về ngựa thuộc dạng “khủng” nhất Việt Nam, trong năm năm qua anh Thắng đã rong ruổi nhiều nơi từ trong nước tới nước ngoài tìm kiếm. Nhập khẩu ngựa từ châu Âu về, không thể đi bằng đường bộ vì khoảng cách quá dài, đi bằng đường biển cũng mất cả tháng trời, ngựa không thể sống tù túng thời gian lâu như vậy; nên bắt buộc ngựa phải được chuyển về bằng đường hàng không. 
 Anh Thắng bên một chú ngựa nhập về từ châu Âu
Nhiều thủ tục hải quan phức tạp, chi phí vận tải đắt đỏ, mang được mỗi con ngựa từ châu Âu về Hà Nội, có thể tốn cả trăm triệu đồng. Đó là còn chưa tính đến tiền mua ngựa.
Thường thì trước khi mua ngựa, anh Thắng tìm hiểu qua mạng internet, qua giới thiệu của bạn bè trong và ngoài nước. Đam mê về ngựa ngấm vào trong máu, thường đã thích chú ngựa nào, anh sẽ cố gắng mua bằng được. “Nhiều lần đi xem ngựa về tôi cứ ngẩn ngơ, đêm về ngủ không yên, cứ chợp mắt là hình ảnh con ngựa mình thích hiện về. 
Khi chưa mua được nó, mình cảm thấy như đang mắc nợ, cứ áy náy trong lòng. Có lần để mua được ngựa, tôi phải trên ba lần đến gặp chủ nhân, năn nỉ thuyết phục họ bán”, anh Thắng nhớ lại. 
Giải thích về niềm đam mê ngựa, anh Thắng cho biết mình là cháu ngoại nghệ sĩ Tạ Duy Hiển, một trong những người đặt nền móng cho ngành xiếc Việt Nam. Mẹ anh cũng là nghệ sĩ xiếc thú. Từ nhỏ, anh được làm quen với các con vật, đặc biệt là ngựa. 
“Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ, được cưỡi trên lưng một con ngựa do người Ấn Độ tặng đoàn xiếc Việt Nam. Khi đó tôi hay đi theo mẹ và các cậu biểu diễn xiếc thú nên yêu thích ngựa từ lúc nào không hay”, anh Thắng tâm sự. Theo anh, ngựa là con vật hiền lành, sống tình cảm. Nuôi ngựa, sống với ngựa giúp anh gần gũi với thiên nhiên, thương yêu động vật. 
Nghề chơi cũng lắm công phu
Anh Thắng tâm sự yêu ngựa từ lúc còn bé, nhưng trước đây kinh tế gia đình khó khăn, rất khó để biến đam mê thành hiện thực. Từ cuối những năm 1990, gia đình anh may mắn mua được mảnh đất rộng gần 1ha gần nghĩa trang Mai Dịch. Vận may đến nên công việc kinh doanh buôn bán thuận lợi, anh dần biến ước mơ thành hiện thực. 
Một nửa mảnh đất gia đình mua ngày xưa, nay anh dành cho ngựa. Khu vực chăn thả ngựa rộng nhất, nền được lót bằng lớp cát khá dày. Trại ngựa còn có khu riêng cho ngựa ăn, khu luyện tập cưỡi ngựa. Để đảm bảo đàn ngựa được chăm sóc chu đáo, anh Thắng thuê năm công nhân, một bác sĩ thú y đến giúp việc. 
Đàn ngựa được tiêm phòng mỗi năm hai lần để tránh bệnh dịch, còn được uống thuốc tẩy giun sán. Nếu con nào có biểu hiện ốm đau, ngoài bác sĩ thú y chăm sóc, một số người bạn nước ngoài chung đam mê loài ngựa đang công tác ở Việt Nam cũng đến giúp kiểm tra, chăm sóc. 
 Nhiều bạn trẻ Hà Nội thích thú chụp ảnh với ngựa  
“Rất may tôi có khoảng ba người bạn nước ngoài am hiểu về ngựa đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, trong đó một người là giáo viên dạy cưỡi ngựa, người Anh, có bằng cấp quốc tế; một người là bác sĩ thú y, rất giỏi về cạo móng và các bệnh liên quan đến ngựa, người Phần Lan”, anh giới thiệu. 
Ngoài một số con ngựa được mua ở trong nước và các nước Đông Nam Á có thói quen ăn cỏ; ngựa được mua ở châu Âu chủ yếu ăn cám làm từ lúa mạch, thóc, ngô. Để bổ sung dinh dưỡng, đàn ngựa được ăn thêm các khoáng chất. 
Tính sơ sơ, mỗi con ngựa tiêu tốn của ông chủ mỗi ngày trên 100 nghìn đồng tiền thức ăn. Hỏi về kinh phí để “chơi ngông” như thế, anh Thắng cười: “Lấy tiền vợ. Tôi làm giáo viên dạy xiếc người ở một trường trung cấp, làm gì có tiền mà chơi”. 
Ông chủ đàn ngựa cho hay, ở Việt Nam, các tài liệu liên quan đến chăm sóc và nghiên cứu ngựa không nhiều. Với vốn tiếng Anh “vừa đủ xài”, cứ rảnh là anh lôi tài liệu nước ngoài do bạn bè tặng ra nghiền ngẫm, đêm đêm lọ mọ đọc tài liệu trên mạng internet đến 1 – 2h sáng. 
Hỏi chuyện có khi nào vợ giận vì dành nhiều thời gian cho đam mê quá, anh cười: “Nhiều khi vì tôi sa đà, dành nhiều thời gian cho ngựa mà vợ tôi hờn giận, trách móc. Nhưng khi xong chuyện, cô ấy lại vui vẻ cùng tôi vào tận miền Nam tìm ngựa”.
Sở hữu một đàn ngựa đẹp và đắt giá bậc nhất Việt Nam, bạn bè anh nhiều người làm tổ chức sự kiện, nhiếp ảnh gia thường đến nhờ vả, gợi ý nên sử dụng chúng vào mục đích kinh doanh. Đặc biệt vào dịp giáp Tết năm con ngựa Giáp Ngọ 2014 này, nhiều bạn trẻ thích thú thực hiện bộ ảnh cùng với ngựa nên đàn ngựa của anh cũng “bận bịu” hơn mọi khi; nhưng anh Thắng cho biết mình không phải nhà kinh doanh ngựa. 
“Người ta trả bao nhiêu tiền thì mình lấy bấy nhiêu, bạn bè với nhau. Hơn nữa mục đích nuôi ngựa của tôi không phải để kinh doanh, ai thích ngựa mà đến đây chiêm ngưỡng, chụp ảnh, tôi xin sẵn lòng”, anh nói.

Tác giả bài viết: Văn Sơn

Nguồn tin: bao plvn