Video mới nhất

Chùa Mèo và chiếc chuông quý

Đăng lúc: Chủ nhật - 16/02/2014 03:13

Đầu xuân, tôi làm một chuyến xuất hành đầu năm vào xứ Thanh thăm vùng Mường Lang Chánh, nơi đang diễn ra một lễ hội của đồng bào các dân tộc cũng là nơi đang mở hội chùa Mèo.
Chuông chùa Mèo, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.

Chuông chùa Mèo, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.

Cái tên chùa là lạ chẳng giống ai này, hóa ra cũng có lịch sử lâu đời, có thể được xây từ thời Trần. Tên chữ của chùa là “Đỉnh Miêu Tự” (Chùa trên đỉnh núi Mèo), mà theo dân gian truyền lại là xửa xưa có nhiều mèo hoang sống trên núi đó, vì thế được gọi là Đồi Miêu. Chùa còn có tên nữa là chùa Chu. Chùa đã bị hoang phế và tàn phá nhiều năm do chiến tranh và thời gian. Mới đây, chùa Mèo đã được khởi công xây dựng, tôn tạo cùng với lễ hội kéo du khách xa gần vào ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Giêng Âm lịch. 
Chùa Mèo nằm trên một quả đồi thuộc làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, có địa thế khá chuẩn mực theo thuyết phong thủy: Có tả Thanh Long là dãy núi Pù Bằng, hữu Bạch Hổ là dãy núi Pù Rinh. Trước mặt lại có dòng sông Âm chảy ngang qua. Thế đất đẹp như vậy đã sinh ra ngôi chùa đẹp nức tiếng trong vùng, được coi là một trong 3 chùa đẹp nhất xứ Thanh một thời. Tuy nhiên, chùa Mèo xưa chỉ còn giữ lại đôi nét tàn phai của một di tích tôn giáo thuở nào. 
Những năm gần đây, ngôi chùa từng bước được hồi sinh, lại quần tụ khá nhiều đồng bào các dân tộc trong vùng tham gia tôn tạo chùa và tham dự lễ hội. Có thể kể đến những bản mường như Mường Chếnh, Mường Khạt, Mường Bỏ, Mường Nang và nhiều mường khác nữa. Chùa Mèo và vùng đất Quang Hiến, Lang Chánh đã chứng kiến nhiều bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhất là trong thời gian vị anh hùng dân tộc Lê Lợi dấy binh, luyện quân và nằm gai nếm mật ở vùng này. Dân địa phương kể lại chính Hón Oi là nơi nghĩa quân luyện tập binh mã. Nay địa danh làng Oi (bản Quang Lợi) trong xã vẫn còn. 

Lần giở “Đại Việt Sử ký toàn thư” mới thấy những bước gian nan của Lê Lợi đều ở vùng các bản mường gần chùa Mèo thuộc Lang Chánh. Ví dụ, năm đầu của cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh là năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi đã cùng các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý mai phục chém được 3.000 thủ cấp thu được nhiều khí giới rồi dời quân đến núi Chí Linh (nay chính là núi Pù Rinh, xã Giao An gần chùa Mèo, khác với vùng Chí Linh của Hải Dương). T

rong năm này nghĩa quân còn đánh trận Mường Yên, thu phục được hơn trăm người. Địa danh Mường Yên cũng chính là xã Yên Nhân phía tây của núi Pù Rinh. 

Năm sau là năm Kỷ Hợi (1419), vào tháng năm, Lê Lợi và nghĩa quân lại phục kích quân Minh ở Mường Chánh (nay là huyện Lang Chánh), cản phá được quân giặc. Năm Canh Tý (1420), Lê Lợi lại phục kích giặc Minh bắt được hơn trăm con ngựa và chém giết quân giặc nhiều vô kể, rồi về Mường Nanh nghỉ quân (nay Mường Nanh là Mường Nang, tức xã Thịnh Nang của Lang Chánh). 

Sau cuộc kháng chiến chống Minh, vào thời Lê Thánh Tông, vùng Lang Chánh, khi đó gọi là châu Lang Chánh còn được ghi vào sử sách: vào năm Hồng Đức thứ 10 (1479), nước Lão Qua sang cướp châu Lang Chánh và đã bị quân dân thời Lê đánh bại.

Nhiều sự kiện chống ngoại xâm thời Lê đã xảy ra trên địa bàn vùng chùa Mèo và huyện Lang Chánh. Có lẽ vì thế mà chùa Mèo khá thiêng. Truyền thuyết còn kể lại rằng: Trong thời đầu kháng chiến chống Minh gian nan, Lê Lợi và nghĩa quân đã đến chùa Mèo thắp hương khấn Phật cầu cho chiến thắng ngoại xâm. Sau khi dẹp tan giặc, vua ra sắc chỉ đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo như ngày nay.
Hỏi thăm dân làng, lại được biết chùa Mèo còn giữ được duy nhất chiếc chuông quý, hiện để ở Bảo tàng Thanh Hóa. Thế là máu nghề nghiệp nổi lên, tôi lại quyết lặn lội thêm 60km nữa để đi tìm… chuông.
Hóa ra, đây lại là chiếc chuông thời Lê rất quý, ghi hẳn tên chùa vào phần vai chuông bằng 8 chữ Đại tự: “Chú tạo Miêu đỉnh thiền tự Hồng chung” (Ghi chép về việc làm chuông chùa Mèo). Niên đại đúc chuông cũng được khắc rõ ràng là vào ngày Tết cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (tức năm 1718). Lúc này nước Đại Việt dưới triều Lê, do Vua Lê Dụ Tông trị vì. 
Quả chuông có kích thước khá lớn, có thể xếp vào loại Đại Hồng chung, cao 1,09m đường kính miệng 0,5m. Chuông được đúc khá sắc nét và mang nét nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng với quai chuông tạo hình đôi rồng đối xứng, ngoắc đuôi nhau, mũi sư tử, bờm dài, tai dơi, thân phủ đầy vây cá, 3 móng nhọn. Chuông có 6 núm để gõ. Chiếc chuông còn nguyên vẹn này mang giá trị nghệ thuật cao, lại có niên đại rõ ràng, hoa văn sắc nét và chính xác như một dấu ấn di sản nghệ thuật một thời. Có lẽ, cho đến nay, loại hình chuông thời Lê như vậy còn quá hiếm và quý.

Bên cạnh cái giá trị mỹ thuật, những dòng chữ khắc ghi trên 4 mảng thân chuông lại kể cho chúng ta biết bao điều về lịch sử thời Lê ở một vùng vốn là căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn này. Trong sách Lam Sơn Thực Lục (viết năm 1431), vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đã xưng danh là “Chúa động Lam Sơn đề tựa”, đã chứng tỏ ngài là thủ lĩnh quần tụ được khá nhiều dân tộc ở vùng núi xứ Thanh, cùng khởi nghĩa. Những lúc gian nan nhất Lê Lợi cũng dựa vào sự ủng hộ của các dân tộc ở châu Lang Chánh xưa. 

Các vị vua Lê kế nghiệp ngài cũng phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc ở mảnh đất này thể hiện trên bài minh văn trên chuông chùa Mèo. Chuông còn ghi rằng, góp công của đúc chiếc chuông lớn này có “đông đảo bà con ở nhiều bản hội trong xứ Thanh Hoa”. Cứ xem danh sách hưng công đúc chuông, mới thấy tính chất “mặt trận” quần tụ các sắc dân khá rõ: Có đồng bào dân tộc ở động Khang Chánh, động Lương Sơn, châu Lang Chánh, quan Thổ Tù… 

Còn có dân làng người Việt cũng đóng góp như bà con ở thôn Trung Hòa, xã An Lãng, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên (nay là huyện Thiệu Hóa). Minh văn trên chuông còn thấy có sự góp công sức của các “tăng tử trụ trì”, của một ông cai đội, một ông “quan Mai Hầu”. 

Một điều đáng chú ý là trong lễ hưng công đúc chuông, vai trò của người mẹ được nhắc đến nhiều, ví dụ như mẹ Phạm Thị Minh, con trai là thổ tù, mẹ Trịnh Thị Tố có con trai là quan chức đồng tri phủ… Đó cũng là một cách vinh danh các bậc sinh thành của người xưa dẫu chỉ qua mấy nét khắc chữ lưu đến muôn đời.

Qua những dòng chữ trên chuông, chúng ta còn thấy có sự gắn bó giữa các bản làng, vùng đất của các dân tộc xứ Thanh vào buổi đầu thế kỷ 18, khi mà một sự kiện lớn là đúc chuông chùa Mèo không những có sự tham gia của dân vùng Mường Lang Chánh mà còn cả dân vùng huyện Thiệu Hóa, mặc dù hai vùng này cách nhau còn vài huyện nữa. Cũng là một điều cần lý giải khi nghiên cứu về mối quan hệ huyết thống, tục kết chạ giữa các làng Mường-Việt hay sự di dân của người xưa trong lịch sử. 

Cũng cần chú ý là mảnh đất có chùa Mèo ngày nay thuộc xã Quang Hiến, nơi đây vẫn quần tụ nhiều dân tộc mà người Mường chiếm chủ thể (60%), người Thái (30%), người Việt (10%). Một vùng đa dân tộc từ trước đến nay vẫn thế. Chính vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đã biết quần tụ và dựa vào sức mạnh đoàn kết các sắc dân mà đã đưa đến chiến thắng huy hoàng trong cuộc chiến 10 năm với quân Minh.

Chiếc chuông chùa Mèo lại còn thêm một giá trị nữa, khi mà tôi thử gõ vào núm chuông thì thấy tiếng thanh vang khá xa. Đọc lại dòng chữ trên chuông mới thấy tiếng chuông đã nổi tiếng từ bấy giờ “âm vang tiếng chuông có thể nói vào hàng đầu, vì nó có thể làm thức tỉnh được những cơn mê của đông đảo chúng sinh”. 

Chợt nghĩ miên man đến tài năng đúc trống đồng và chuông đồng của thợ xứ Thanh, mà ngay cả trên chuông cũng nhắc tới địa danh của một phủ Thiệu Thiên xưa - Thiệu Hóa nay, nơi có những làng đúc đồng nổi tiếng như làng Trà Đông.


Nguồn tin:
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn