Video mới nhất

Lời trần tình của một kẻ nhận án tử hình sau khi sát hại chiến sĩ công an

Đăng lúc: Chủ nhật - 02/03/2014 02:36

Tử tù Đỗ Văn Sơn (SN 1984), ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng không giống như những tử tù khác bởi gã điềm tĩnh và chấp nhận án tử của mình. Trò chuyện với con người này có cảm giác như gã không hề có chút hoang mang, sợ hãi mà an phận trước sự định đoạt của pháp luật.
Lời trần tình của một kẻ nhận án tử hình sau khi sát hại chiến sĩ công an

Lời trần tình của một kẻ nhận án tử hình sau khi sát hại chiến sĩ công an

Để xem : .Truyền hình thời sự bấm vào
               .Những Video quay lén cực độc bấm vào  
               .Cười sảng khoái đến đau bụng bấm vào 
               .Những tâm sự riêng tư , khó nói bấm vào
               .Những đoạn phim hiếm về Việt nam bấm vào
       

“Cái chết kết thúc đi tất cả”

“Tội em gây ra, có xử tử vài lần cũng chẳng hết nên khi nghe tòa tuyên tử hình em cũng đã dự đoán từ trước. Còn sống được ngày nào thì nên để ân hận về lỗi lầm của mình chứ suy nghĩ tiêu cực cũng chẳng thể thay đổi được gì…” - Đó là lời trần tình của tử tù Đỗ Văn Sơn. “Gây ra những tội ác không thể dung thứ, dù có ăn năn, hối cải cả trăm, cả nghìn lần em cũng chẳng thể nào rửa sạch được. Nghĩ về tất cả những nghiệp chướng mình gây ra có lẽ chỉ cái chết mới kết thúc đi tất cả” - Sơn trò chuyện thoải mái, như thể đã sẵn sàng chấp nhận cái chết, và bình tĩnh đợi chờ ngày đi trả án.

Sơn được sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Thủy Nguyên, bố mẹ đều là những con người chất phác, cả cuộc đời chỉ biết gắn với ruộng đồng để mưu sinh. Kinh tế tuy khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cố gắng nuôi dạy anh chị em Sơn để bằng chúng bạn. “Những tháng ngày tuổi thơ, học hành ở trường làng, sống cùng bố mẹ cuộc đời em hết sức yên ả, chẳng hề có biến động. Và chính sự bình yên ấy khiến tính cách em khá rụt rè, dù to cao hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng vẫn thường xuyên bị bắt nạt”, Sơn nhớ lại. Những tưởng Sơn sẽ cố gắng ăn học để thoát khỏi cái nghèo thì: “Việc học hành của em kết thúc một cách chóng vánh khi hết cấp II em nghỉ học và ở nhà giúp bố mẹ công việc đồng áng, rồi có ý định đi kiếm việc ở thành phố. Đúng là nhàn cư vi bất thiện, em bắt đầu thích chơi bời, tụ tập với đám trai làng và nhanh chóng học đòi những tệ nạn nơi làng quê từ rượu chè lại đến cờ bạc, đánh nhau. Gia đình em cũng “bất lực” trước sự vất vưởng, sa đà của em trong đám “đàn anh, đàn chị” dám chơi, dám chịu trong làng. Cuộc sống thôn quê thiếu thốn, lại không nghề nghiệp khiến em cảm thấy bức bí, chán ngắt nên đã nhờ bạn bè kiếm hộ công việc xa quê để làm. Và miền đất Quảng Ninh là điểm đến đầu tiên khi em rời nhà. Hơn 2 triệu đồng/tháng, làm công nhân mỏ nhưng sự phức tạp của xã hội hỗn độn vùng mỏ đã “đẩy” em tham gia vào một số bang hội như một điều kiện tất yếu để thích ứng với cuộc sống, và đó cũng chính là giai đoạn cuộc đời em lật trang”…

Quá khứ bất hảo

Quen biết nhiều hơn với giới xã hội ở Quảng Ninh, Sơn bắt đầu dấn thân vào con đường tội lỗi. Từ những cuộc đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn chốn làm ăn, Sơn “găm” được không ít những đám thanh niên máu mặt để kết hội lập bang. Tính cách thay đổi đã đành, đến diện mạo của Sơn cũng hằn nhiều vết sẹo sau những cuộc đâm chém; và đỉnh điểm là vết sẹo dài hằn trên mặt sau một cuộc thanh trừng, dằn mặt đám đầu gấu ở vùng mỏ Cẩm Phả. Sơn bị “ăn” trọn một nhát chém ở mặt phải vào cấp cứu gần một tháng sau mới bình phục. Sau lần đó Sơn trở nên rất manh động và trở thành một kẻ có số má. Nhưng đám giang hồ đất mỏ cũng chẳng để cho Sơn được xưng hùng xưng bá mãi, và trong một cuộc đâm chém có xảy ra thương vong Sơn bị Công an TP Uông Bí truy nã về hành vi cố ý gây thương tích. Bỏ vùng đất mỏ sau 6 năm sinh sống Sơn lẩn trốn về Hải Phòng để tìm cuộc sống mới bằng việc nay thì đi cướp, mai thì đâm thuê chém mướn. Tại đất Cảng, Sơn lại gây dựng được tiếng tăm khi thu nạp được đám “tay chân”, đi đâu cũng “găm” súng hoa cải dắt lưng và sẵn sàng nhả đạn. Cũng giống như ở đất mỏ, trong một vụ đâm chém ở thành phố Cảng, Sơn bị Công an TP Hải Phòng phát lệnh truy nã toàn quốc. Bỏ trốn ra Hà Nội, dạt lên Tuyên Quang một thời gian ngắn Sơn lại “mò” về Hải Phòng sống chui lủi bằng tiền đi ăn cướp.

Và đúng ngày đầu tiên của năm 2012, mang theo túi du lịch bên trong có 2 khẩu súng K59 và súng bắn đạn hoa cải, 1 biển số  xe máy giả cùng nhiều dụng cụ để trộm cắp. Sơn rủ một người bạn là Hoàng Văn Nam, ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng lượn xe máy ra phố đi cướp lấy tiền tiêu xài. Vì đang bị truy nã nên Sơn xác định nếu như trong quá trình cướp mà nạn nhân chống trả sẽ cho “ăn đạn”. Tuy nhiên, khi đang đi trên phố thì Sơn và Nam “lọt” vào tầm ngắm của lực lượng Cảnh sát cơ động đang đi tuần tra. Phát hiện Sơn có nhiều điểm nghi vấn, tổ tuần tra đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra thì Sơn tháo chạy. Các chiến sĩ Cảnh sát cơ động đã ngay lập tức đuổi theo. Khi biết mình khó thoát, Sơn đã rút súng bắn về phía lực lượng cảnh sát. Phát súng đó của Sơn đã cướp đi sinh mạng của chiến sĩ cảnh sát Đỗ Đăng Long, Đại đội 3 Phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an TP Hải Phòng.

Ngông cuồng, máu lạnh cộng với những tội ác mình gây ra Sơn đã nhận mức án cao nhất của pháp luật. Bị bắt và bị kết án tử. Những tháng ngày sống trong đao kiếm của Sơn đã có một điểm dừng đó là phòng biệt giam tử tù.

Câu chuyện riêng của tử tù máu lạnh

Kể về những “chiến tích” của mình, Sơn bảo rằng: “Cuộc đời của em có thể nói là chẳng ra gì. Ngay cả đến hạnh phúc gia đình cũng là một bi kịch”. Sơn bắt đầu chuyện riêng tư của mình khi kể về người vợ ở Quảng Ninh. Khi mới ra vùng đất mỏ, trong một lần đi chơi với bạn ở chùa Yên Tử, Sơn đã làm quen được với một cô gái bán quán ở ngay dưới chân núi. Và rồi, tìm hiểu, yêu đương được khoảng hơn một năm thì Sơn tổ chức đám cưới. Được sự hỗ trợ của gia đình, người thân, vợ chồng Sơn mua được một mảnh đất nhỏ ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Có vợ, có chỗ ở ổn định, rồi có con nhưng Sơn vẫn không thoát được khỏi vòng xoáy của cuộc sống phức tạp nơi đất mỏ. Sơn kể: “3 năm, 2 đứa con lần lượt ra đời, để có tiền lo cho vợ, cho con em đã cố gắng làm việc nhiều hơn. Đã có lúc em trở thành một người chủ gia đình thật sự và muốn một cuộc sống bình yên bên vợ con, tránh xa những mâu thuẫn, những cuộc đâm chém không có hồi kết. Nghĩ là vậy nhưng số phận chẳng chiều lòng cho đến khi biết vợ có người đàn ông khác. Ở ngoài xã hội em có thể máu lạnh, sẵn sàng chém người không ghê tay nhưng khi biết vợ phản bội em chẳng đánh cũng chẳng mắng bởi em nghĩ vợ không còn yêu mình thì tốt nhất là nên chia tay, mỗi người đi một hướng. Một đứa theo cha, một đứa theo mẹ, em đưa đứa con trai đầu về nhà ông bà nội để ở, còn mình lại tiếp tục quăng quật ngoài xã hội.

 …Sau khi bị Công an TP Hải Phòng truy nã gắt gao em đã trốn lên vùng rừng núi của tỉnh Tuyên Quang. Tại đây để che giấu bản thân em cố gắng làm việc chăm chỉ và yêu một cô gái ở miền đất này. Lúc đó do đang bị truy nã nên không thể tổ chức đám cưới và đăng ký kết hôn nhưng em vẫn đưa cô ấy về Hải Phòng. Tuy không hôn thú nhưng em đã coi cô ấy là “người vợ thứ 2” của mình bởi cho đến ngày bị bắt, không còn cơ hội để làm lại cuộc đời nhưng cô ấy vẫn sâu đậm một tình yêu với em. Em đã nhiều lần “giải thoát” để cô ấy đi tìm hạnh phúc mới bởi cô ấy còn trẻ, phía trước là cả một tương lai tốt đẹp. Trong thâm tâm em mong muốn cô ấy tìm được người đàn ông tốt hơn em để có được hạnh phúc, em không muốn cô ấy dính vào một thằng tử tội như em mà đánh mất đi cuộc đời của mình nhưng cô ấy cứ son sắt như vậy. Mỗi khi được cán bộ thông báo em được nhận quà lưu ký thì y như rằng là cô ấy gửi… Mỗi lần vậy em lại thấy buồn hơn vui. Sự chung thủy của cô ấy làm bản thân em thấy mình có lỗi. Giá như cô ấy tìm được chỗ dựa nào khác có khi lúc này em còn cảm thấy yên lòng hơn!”.

Có lẽ trái tim trong con người mang dòng máu lạnh ngồi trước mặt chúng tôi đây cũng phải ấm lên bởi sự yêu thương đó. Sơn bảo rằng: “Thành quả duy nhất mà cuộc đời của em có là gặp được cô ấy, bản thân em cũng chẳng thể nào tin được tại sao lại có một người yêu mình đến vậy mặc dù bây giờ bản thân đã là một kẻ tử tội. Trong buồng biệt giam, em chẳng nghĩ đến điều gì khác ngoài vợ và đứa con trai, đó là hai con người duy nhất tồn tại trong suy nghĩ của em lúc này”...

Sự ân hận muộn màng

Cuộc sống ở phòng biệt giam đã giúp cho Sơn thấu hiểu và ngẫm nghĩ về những điều sai trái mà mình đã gây ra. Cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn đối với Sơn: không dao kiếm, không súng ống, không đánh nhau, không chém giết… Sơn bảo rằng: “Lúc này có nói ra lời ân hận cũng là quá muộn màng vì mọi chuyện đã đi quá xa so với giới hạn cho phép. Giết người phải đền mạng, em nhận mức án tử hình là hợp lý, không có điều gì thần kỳ sẽ xảy đến với cuộc đời em lúc này. Cuộc đời thật trớ trêu, số phận đã an bài, duy nhất em chỉ đau đáu một nỗi lo về đứa con trai đang sống cùng bố mẹ em ở quê. Con trai em mắc bệnh nan y là máu không đông vẫn phải ra bệnh viên trên Hà Nội để điều trị, chạy chữa”… “Em thương con mình, đứa trẻ chẳng có tội tình gì mà phải mang trọng bệnh. Giá như em “gánh” được bệnh thay cho con, có thể truyền được tất cả dòng máu của em sang cho con, em sẵn sàng làm. Lo cho con nhưng chẳng thể làm được gì, em đã thấu hiểu được cái giá của những sai lầm mà mình đã gây ra. Có lần mẹ em lên thăm kể rằng bác sĩ bảo định kỳ phải lên bệnh viện để truyền thuốc. Mẹ nói vậy mà ruột gan em như có cả trăm, cả nghìn con dao cắt từng khúc. Nhìn mẹ già phải lo cho con, cho cháu mới thấy em là một thằng chẳng ra gì. Em chết chẳng tiếc nhưng cứ nghĩ về những người thân là lòng chẳng yên”…

 Những tâm sự ấy của tử tù Đỗ Văn Sơn cũng chính là những suy nghĩ sẽ luôn đè nặng lên tâm can của y, nó cắn dứt và bào mòn sự sống cho đến ngày đi thi hành án như một sự trừng phạt đối với một kẻ đã tước đoạt đi sự sống của người khác.
 
Theo Quân Trần

An ninh thủ đô

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

Những tin mới hơn