Video mới nhất

Sắc xuân phiên chợ Tả Sìn Thàng

Đăng lúc: Thứ bảy - 15/02/2014 22:30

Chợ phiên Tả Sìn Thàng (xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi hàng hoá của các dân tộc Mông, Thái, Dao, Hoa, Xạ Phang... trong vùng.
Mà đây cũng là điển hẹn lý tưởng của các chàng trai, cô gái người dân tộc giao duyên dịp tết đến, xuân về…
Nằm ngay thung lũng trung tâm của 5 xã (Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Sa Phình, Trung Thu, Sính Phình), bốn phía đều là các dãy núi đá và gần như quanh năm sương mây trắng phủ mờ, chợ phiên Tả Sìn Thàng là hình ảnh sống động náo nhiệt của núi rừng.
 
Nét độc đáo truyền thống
 
Đã thành thông lệ, cứ 6 ngày một lần, đến ngày chợ họp, thì không kể là ai, giàu sang hay nghèo khó, đều cố gắng có mặt như một lời hẹn ước. 
 

Sắc màu phiên chợ Tả Sìn Thàng
 
Từ khi con gà rừng vừa cất những tiếng gáy, từ khắp các nẻo đường, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng chân ngựa, tiếng đàn môi, tiếng cười nói đã xôn xao, náo nức trên khắp các lối mòn. Những cô gái Thái, những cô gái H'mông trong những bộ váy áo sắc sỡ; những chàng trai trẻ người Khơ Mú bên những gùi hàng, kẻ địu con che ô, người dắt ngựa, hàng hoá đủ cả, từ những lá dong xanh, cam, quýt vàng rực; những cành đào rừng chúm chím nụ hồng khoe sắc, đến ngô, thóc, thảo quả, cá tôm và các loại thịt rừng… 
 
Ngay từ đêm, lúc bản làng còn chìm trong giấc ngủ, thì những người xuống chợ đã phải thức dậy và chuẩn bị mọi thứ, dù là ít ỏi, để lên đường cho kịp phiên chợ. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều chàng trai, cô gái, các em nhỏ, các bà cụ người dân tộc đi bộ dọc các triền núi cao còn đẫm sương đêm núi rừng Tây Bắc. Tiếng cười nói của họ văng vẳng nơi triền đồi, dọc con suối, qua các lùm cây và làm mê mẩn một du khách miền xuôi là tôi khi còn đang bỡ ngỡ ở nơi được ngợi ca là “Xứ nhà Trời”.
 
Tại chợ phiên, người bán người mua tấp nập, nhưng vui vẻ, không hề có sự bon chen hay tranh giành giá cả như ở dưới xuôi. Có thể dễ dàng nhận ra sự hồn nhiên, mộc mạc, ít mánh khoé toan tính trong thói quen mua bán của những cư dân vùng cao này. Họ mua hàng thường nhằm vào chất lượng, hoặc sở thích. Nếu ưng một món đồ nào đó, thường họ xem rất kĩ sau đó mới hỏi giá, nếu giá hơi cao so với túi tiền, họ có thể trả thấp hơn một chút, nhưng nếu chất lượng món đồ làm vừa lòng họ, họ cũng không hề mặc cả. 


Đặc sản chợ Phiên
 
Ấy là một nét đẹp mà không phải ở đâu cũng có. Người ta đến chợ phiên không đề cao tính thương mại. Hàng hoá đôi khi chỉ là một sọt rau, một bao đỗ, một lít rượu, một ít mật ong, cũng có người mang đến một con bò, một đôi lợn, con gà… Bán được hay không không mấy quan trọng. Có người đi cả nửa ngày đường đến chợ chỉ để mua một đôi pin, hoặc một vài nhu yếu phẩm cần thiết khác, cũng có người chỉ đi bán một con gà, hoặc đơn giản chỉ ăn một bát phở. Tất nhiên cũng không hiếm những người chỉ đến vì mục đích đi chơi hay gặp lại bạn bè, người yêu, mong ôn lại chút tình xưa cũ. 
 
Chợ nhộn nhịp nhất vào tầm 11 - 12 giờ trưa. Chỗ này người Kinh mua các sản vật địa phương, chỗ kia người Dao, người Mông túm tụm bên chai, lọ, kim, chỉ, quạt điện, đồ trang điểm, làm đẹp... Thích nhất là lượn qua dãy hàng bán xôi nhiều màu đặc trưng của vùng đất này. Rồi mùi thơm của chảo thắng cố lúc nào cũng sôi sùng sục cuốn bạn về một góc chợ, nơi những người đàn ông, đàn bà đã bán xong hàng hể hả quây quần, nơi các chàng trai tạm dừng mắt kiếm tìm, dừng môi thổi sáo, thổi khèn, nơi các cô gái tạm ngừng tay se lanh để lót dạ. Ăn thắng cố mà không uống rượu Mông Pê thì cũng như một cô gái xinh không có người ngắm. Rượu Mông Pê được ủ từ mầm ngô, những cây ngô trồng rải rác trên các triền đá tai mèo nên nồng mà dịu, mạnh mà không choáng khiến người uống lúc nào cũng lâng lâng, say mà vẫn tỉnh, tỉnh mà vẫn say.
 
Nơi gặp gỡ và giao lưu văn hoá
 
Đi chợ là đi chơi, là giao lưu, tìm hiểu bạn tình, chọn bạn đời, vì vậy, không ai tất bật, vội vã. Mỗi người đều chọn cho mình những trang phục đẹp nhất, mới nhất, may khéo nhất. Các chàng trai thì nhất thiết phải giắt lưng chiếc sáo, chiếc khèn để tìm cơ hội gửi gắm lòng mình tới người thương. Các cô gái thì vai đeo lu cở, tay xe lanh thoăn thoắt, dáng đảm đang, khéo léo. Người già, người đã có vợ, có chồng thì cắp theo các sản vật tự mình trồng, nuôi như con lợn nương đen trũi cắp vừa bên nách, con gà trống mào đỏ như son, măng khô nâu thơm phức, mật ong đặc sánh, thịt rừng tươi roi rói, rượu Mông Pê ấm nồng, thổ cẩm rực rỡ, chè Shan Tuyết lá xoắn như ánh mắt trai gái quấn bện vào nhau... 
 
Mặc dù các sản phẩm đem đến bán đều có chung một nguồn gốc là nông, lâm, thổ sản, nhưng với mỗi dân tộc lại mang một màu sắc khác nhau. Với người Thái, do ở dưới thấp, gần gũi người Kinh, nên hàng hoá họ đem đến chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, gia vị như cá, lươn, măng tươi; các loại rau thơm, hành tỏi, ớt, mắc khén và nhiều món ăn chín đậm đà bản sắc như cá nướng, cơm lam… Người Khơ Mú thì “chuyên” các đồ khô như ớt khô, măng khô và các sản phẩm rừng núi như mây, giang và tranh lợp nhà - một thứ hàng chỉ riêng có ở người Khơ Mú. Cỏ tranh được cắt ngắn, phơi khô, đánh thành phên rồi gùi xuống chợ. Trong khi đó, người Mông lại mang đến những đặc sản ở vùng núi cao như cánh kiến, thảo quả, đậu tương… 


Tan chợ, chờ tỉnh rượu
 
Đến chợ, mọi người còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người phụ nữ qua các trang phục đặc trưng riêng của từng dân tộc. Người Thái có khăn Piêu, áo Cóm; người Mông có váy xoè 3 tầng sặc sỡ; người Dao riêng biệt với vành khăn đội đầu đỏ tươi và chùm “gủi nhúi” (giống như một chùm chỉ ngũ sắc) trước ngực; người Giáy khiêm nhường trong chiếc áo thắt nút màu xanh cổ vịt và còn rất nhiều vật trang trí khác như vòng bạc, đồng tiền, các loại kim tuyến tua rua trên khăn và trên vòng cổ của các thiếu nữ Hà Nhì…
 
Bên cạnh đó, chợ Tả Sìn Thàng còn là nơi hẹn hò gặp gỡ của biết bao chàng trai cô gái người dân tộc. Qua tiếng khèn, tiếng tiêu, kèn môi, kèn lá, qua những bát rượu Mông Pê ướp men lá rừng, qua chén trà Shan Tuyết hương thơm ngào ngạt… rất nhiều người trong số họ đã nên chồng nên vợ. Tất nhiên cũng không tránh khỏi có những cặp vì lý do này khác mà không đến được với nhau, đành lấy chợ phiên làm nơi gặp gỡ, nơi “tình yêu luôn như bát nước đầy”, nơi ôn lại kỷ niệm xưa. Quây quần bên nồi thắng cố bốc hơi nghi ngút, họ tha hồ tâm sự với nhau về những khó khăn trong cuộc sống, được uống cùng nhau bát rượu, để khóc, để cười và rồi lại quyến luyến chia tay ai về bản nấy, lại hẹn chợ sau tái ngộ, tương phùng. 
 
Có thể khẳng định, đây là một nét đẹp mà có lẽ chỉ có mình người dân tộc có và còn giữ được đến ngày nay. Ngoài ý nghĩa thương mại, chợ phiên Tả Sìn Thàng còn là nơi thể hiện rõ nét những bản sắc văn hoá, những đặc trưng truyền thống, những phong tục tập quán của từng dân tộc vùng núi cao Tây Bắc. Đó là một nét đẹp mà chúng ta cần chọn lọc, duy trì và phát triển, sao cho chợ phiên Tây Bắc luôn là một điểm hẹn văn hoá trong tiềm thức của mỗi người khi đến thăm mảnh đất này.
 
Duy Thanh – Yên Châu
 
 

Nguồn tin: TN
Từ khóa:

tả sìn thàng

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn