Video mới nhất

Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ Flappy Bird để 'chốt lãi'

Đăng lúc: Chủ nhật - 16/02/2014 02:51

Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ Flappy Bird để 'chốt lãi'

Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ Flappy Bird để 'chốt lãi'

Nhiều người cho rằng đây là quyết định sai lầm, tuy nhiên dưới góc nhìn kinh tế nó lại là một bước đi rất sáng suốt của Hà Đông.
Sẽ không quá khi nói rằng, tất cả những thành công có được từ Flappy Bird chỉ nhờ một bí quyết. Đó là việc Hà Đông đã thiết kế game của mình khác biệt hoàn toàn so với đa số các game hiện đang được cung cấp trên thị trường, đồng thời đánh vào điểm yếu về mặt tâm lý của người chơi.

Trên thực tế, hầu hết các trò chơi đều theo nguyên tắc “dễ trước khó sau”, người chơi rất dễ dàng đạt được điểm số ở những level đầu. Tuy nhiên, game Flappy Bird của Hà Đông tạo sự khác biệt cơ bản đó là “khó trước và cực khó sau”.

Chính điều này làm cho game thủ cảm thấy bực bội, bị tổn thương và trực tiếp “đánh” vào tâm lý muốn chinh phục khó khăn của con người và rồi thành công bắt đầu đến từ đó. Nó như một vết dầu loang trên mặt nước, càng ngày càng lan rộng, không dễ để khống chế và rất khó để giới hạn.

Có được thành công đồng nghĩa với việc thu về lợi nhuận. Lợi nhuận cũng tăng theo từng ngày khi những người chơi không ngừng “bay cùng chú chim xấu xí”.

Đông đã từ chối xác nhận việc nhờ Flappy Bird anh thu được 50.000 USD/1 ngày từ quảng cáo, nhưng anh cũng không phủ nhận rằng con số này là rất nhiều. Đúng, rất nhiều đối với không chỉ một chàng trai trẻ như Hà Đông mà còn là rất nhiều so với thu nhập của phần lớn người Việt Nam.

Ấy vậy, khi đang trên đỉnh cao, “tiền vào như nước” thì Hà Đông lại quyết định khai tử game của mình. Lúc này, rất nhiều người đã tỏ ra hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối. Không ít bài viết còn cho rằng vì thói ghen ăn tức ở của nhiều người mà Đông phải bắt buộc đưa ra quyết định sai lầm đó.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn về mặt kinh tế, đây thực sự là một bước đi rất sáng suốt và có tính toán chu đáo của Hà Đông.

Theo như thuật ngữ mà những nhà đầu tư chứng khoán hay sử dụng thì hành động này của Đông được gọi là “chốt lãi đúng đỉnh”. Chốt lãi đúng đỉnh tức là bán ra ở đúng thời điểm mà thu được lợi nhuận nhiều nhất. Sẽ có người hỏi, càng ngày cơn sốt Flappy Bird càng lên cao đồng nghĩa với việc lượng tiền thu về càng lớn. Vậy thì gỡ bỏ nó đi rồi làm sao mà tối đa hóa lợi nhuận được?

Câu trả lời là nếu như duy trì game, rất có thể Hà Đông sẽ có thêm nhiều lợi nhuận. Nhưng bạn có biết rằng ngay cả khi Hà Đông khai tử game, anh sẽ vẫn nhận đều đều khoản thu nhập từ phí quảng cáo do số lượng người chơi không tăng lên nhưng cũng chưa thể giảm đi một cách đột ngột.

Trong trường hợp tiếp tục duy trì game, những phiền toái về mặt pháp lý như vấn đề bản quyền, hoặc “cuộc chiến” về chia sẻ lợi nhuận quảng cáo hay số lượng người chơi giảm dần… hoàn toàn có thể đến.

Khi đó, dù muốn hay không thì Đông cũng phải đối mặt để giải quyết, mà để giải quyết thì không tổn hao tiền cũng sẽ mất thời gian. Cả hai thứ này anh ấy đều không muốn mất, vậy thì giải pháp hoàn hảo nhất sẽ là “hạ game”.

Là một người làm game chuyên nghiệp, Hà Đông không chỉ có duy nhất một “đứa con” là Flappy Bird mà còn có thêm hai “con” nữa đang chuẩn bị lớn và rất nhiều “con” sắp sửa ra đời.

Trong lĩnh vực kinh tế, thông thường với sản phẩm đầu tay, nhà sản xuất không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà quan tâm đến thương hiệu, hình ảnh, những phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm và cách thức để xây dựng một con đường hiệu quả nhằm đem lại thành công cho các sản phẩm tiếp theo.

Ở đây, chỉ với Flappy Bird, Hà Đông đã thu được đồng thời tất cả những điều trên, không những thế mà còn đạt quy mô lớn hơn rất nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Chính vì vậy, Hà Đông sẽ không ngần ngại khai tử chú chim xấu xí để nhường đường cho một “chú gì đó” mới lạ hơn, đẹp đẽ hơn và mang theo những kỳ vọng cao hơn.

(Xem thêm: Flappy Bird và nỗi đau người Việt 'dìm hàng' người Việt )

Cuối cùng, theo Abraham Maslow thì hành vi của con người bắt nguồn từ nhu cầu và những nhu cầu của con người được sắp xếp theo một thứ tự ưu tiên từ thấp tới cao.

Theo tầm quan trọng, cấp bậc nhu cầu được sắp xếp thành năm bậc từ thấp đến cao bao gồm nhu cầu cơ bản hay nhu cầu sinh học, nhu cầu an toàn, nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc, nhu cầu được quý trọng, kính mến và cuối cùng là nhu cầu về tự thể hiện bản thân.

Thap-nhu-cau-cua-Maslow-2573-1392350706.

Tháp nhu cầu Maslow.

Đối chiếu vào Hà Đông, ta có thể nhận thấy anh đã có sự “nhảy cóc” giữa các bậc nhu cầu. Bởi vì chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn từ một người “vô danh” anh đã trở thành nổi tiếng trên toàn thế giới. Điều này là hoàn toàn không có lợi bởi chính bản thân Đông cũng chưa sẵn sàng thích nghi và gần như là không thể thích nghi với những thay đổi đó. Bằng chứng là anh cảm thấy cuộc sống bị xáo trộn, không thể ngủ và lẩn trốn internet…

Bên cạnh đó, chắc hẳn Đông cũng sẽ cảm thấy không hài lòng khi nhiều người cho rằng “thành công của anh có được chỉ là nhờ may mắn”. Vậy thì xóa Flappy Bird và tìm kiếm những thành công mới sẽ là cách tốt nhất để Hà Đông có thể chứng minh cho tất cả thể giới biết khả năng thực tế của mình đồng thời giúp anh bước từng bước chắc chắn lên đỉnh tháp Maslow một cách chủ động nhất.

Với những lợi ích như vậy thì việc Hà Đông tạm thời có một bước lùi ở Flappy Bird là một quyết định hoàn toàn hợp lý của một nhà kinh tế, nó đúng như những gì anh từng chia sẻ với Forbes: “Tôi không nghĩ đây là một sai lầm. Tôi đã suy nghĩ rất thấu đáo”. Nhờ vào quyết định đó, chúng ta có cơ sở để tin rằng, Nguyễn Hà Đông sẽ còn thành công hơn nữa trong một tương lai không xa.

 

Hà Nguyễn


Nguồn tin: vnexpress
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn