Video mới nhất

Chuyện lạ lùng và cảm động ở một con hẻm nhỏ của Sài Gòn

Đăng lúc: Thứ sáu - 07/11/2014 03:08

Đa phần người dân ở con hẻm đều là người lao động nghèo, buôn gánh bán bưng, chạy xe ôm, vá xe…

Từ nhiều năm nay, cái tủ thuốc từ thiện do người dân trong hẻm 960 (đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM), tự nguyện đóng góp, dựng nên, treo ở đầu hẻm đã gây ngạc nhiên cho bao khách qua đường.

Anh Ba Thành, người lá xe ôm đậu ở đầu hẻm kể: “Cái tủ thuốc này là do người dân trong hẻm chắt chiu, dành dụm mà có. Người có tiền thì góp 10-20 chục ngàn, người không có tiền thì góp vỉ thuốc cảm, lọ dầu gió, cuộn băng cá nhân, chai thuốc đỏ, thuốc sát trùng…”. Anh bảo, nhìn các tủ thuốc có vẻ “hẻo” này nhưng kỳ diệu lắm. Nó đã giúp không biết bao nhiêu người nghèo buôn bán đi qua đây rồi. Có người thì xỉu vì bị trúng gió, cảm nắng, liền được người dân đầu hẻm dìu vào nhà cho hạ “hoả”, rồi xức dầu, cạo gió, uống miếng nước cùng viên thuốc cảm, thế là “người ta” khoẻ lại, đi buôn bán tiếp.

Có người bị té xe, trầy tay, trầy châ, sây xát mặt mũi, cũng được dìu vô đây, bôi thuốc sát trùng, uống viên trụ sinh và băng bó, cầm máu để họ có thể đi về nhà hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc thêm… Những trường hợp này, ngày nào cũng có, bởi con hẻm nằm đối diện chợ Phú Nhuận, rất đông người qua lại hàng ngày.

Cái tinh thần thiện nguyện, thương người như thể thương thân như đã ăn vào máu của người dân con hẻm này. Cứ thấy tủ thuốc “hụt” đi một chút là bà con bảo nhau, bổ sung thêm thuốc để tủ thuốc không bao giờ với đi, như cái tình của người xóm này.

Tủ thuốc từ thiện ở đầu hẻm và lời nhắn của bà con Xin đừng phá em!

Tủ thuốc từ thiện ở đầu hẻm và lời nhắn của bà con "Xin đừng phá em!"

Chỉ tay vào cột điện đối diện của tủ thuốc, anh Lực sửa vá xe cho biết, ở đây, ngoài việc coi sóc bình nước trà đá miễn phí không bao giờ cạn, thì anh “kiêm” thêm việc bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật. Có ngày cả chục trường hợp mà anh cứ “hể hả” mà làm. Không kể nắng mưa. Anh cho biết thêm, “tổ” xe ôm đậu ở đây còn tình nguyện chở miễn phí trong nội thành cho người mù, khiếm thị, người già… mà không lấy một đồng tiền xăng gọi là tượng trưng.

Ngoài nội dung trên, tổ xe ôm còn chở miễn phí cho người khiếm thị, già, neo đơn
Ngoài nội dung trên, tổ xe ôm còn chở miễn phí cho người khiếm thị, già, neo đơn

Cảm động nhất và đượm tình người nhất là cái băng rôn của anh Việt, một chủ cơ sở mai táng, treo ngay bên trên tủ thuốc từ thiện. Anh tự đi in, treo lên và để lại số điện thoại di động của mình cùng với nội dung mà anh “rao”: Vạn Phúc-Điểm giúp hòm từ thiện, trợ táng miễn phí phục vụ 24/24, kể cả ngày Chủ nhật và ngày lễ.

Anh nói về mình cứ như là một “nhiệm vụ” mà anh buộc phải làm: “Tôi treo cái băng rôn này vài năm rồi, bởi tôi biết ở cái chợ này, người dân nghèo vô gia cư hay đến đây xin ăn, ngủ vỉa hè, sạp chợ, sống lê lết ngoài đường. Họ mất đi vì bệnh, vì tuổi già, vì kiệt sức thì ai lo cho họ đây? Tôi sẵn có cơ sở mai táng nên tình nguyện lo hậu sự cho họ luôn. Cũng là việc mà mình quen mà.”.

Anh Việt cho biết, với người nghèo, neo đơn, thì anh sẽ đến với họ bằng một chiếc hòm, có nhu cầu nữa thì anh đưa cả đội đến để lo mọi chuyện hậu sự rồi đưa họ đi hoả táng luôn. Còn với người vô gia cư thì cơ sở anh lo từ A đến Z, làm sao cho “người ta” về với tổ tiên một cách đàng hoàng nhất. Tất cả không lấy một xu nào.

Từ lời rao này, gần cả chục người đã về với ông bà một cách rất tử tế và chu đáo

Từ lời "rao" này, gần cả chục người đã về với ông bà một cách rất tử tế và chu đáo

Và kể từ khi anh “khai trương” cái chuyện làm từ thiện này, anh cũng đã lo hậu sự cho gần một chục người rồi. Tất cả đều xuôi chèo, “mát mái”. “Tôi có chút điều kiện mà thấy người dân nghèo trong hẻm đã mở lòng với bá tánh như thế, thì mình “đúng yên làm sao coi cho được.”, anh Việt trầm ngâm một cách rất… bình thường.

Và người dân quanh cái chợ Phú Nhuận này, đã từ lâu đã gọi cái hẻm này này là hẻm từ thiện “3 trong 1”, lo cho mọi người từ lúc họ đau, ốm, rồi lo cho họ cái chuyện đi lại và đến khi nhắm mắt xuôi tay, cũng lo cho “người ta” về với ông bà rất chu đáo, tử tế, cho “chuyến về” cõi vĩnh hằng một cách bình yên.

Nguyên Quốc


Nguồn tin:
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn