Video mới nhất

Little Hanoi- chợ Đồng Xuân ở Berlin

Đăng lúc: Chủ nhật - 05/01/2014 11:30

Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Đồng Xuân Centre) nằm trên con phố Herzberg ở quận Lichtenberg phía Đông Berlin, nơi có gần 4.000 người Việt Nam sinh sống và là địa chỉ thân ...........
Little Hanoi

Little Hanoi

Ra chợ quê mình

 

Với 250 gian hàng trong đó hơn 60% là doanh nhân Việt Nam, tiếp đến là người Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ba Lan, và cả người Đức, trung tâm chủ yếu bán buôn với đủ các mặt hàng từ dệt may, giầy dép, mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, hoa giả, trang trí nội thất, đến các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, sơn sửa móng tay, các quầy sách báo, băng hình, ấn phẩm văn hóa.

Từ hệ thống nhà hàng ăn uống vui chơi giải trí tới các cửa hàng thực phẩm châu Á phục vụ thịt thà, tôm cá, gạo mì, bún phở khô đến các loại rau muống, rền, cần, cải, bầu bí, dưa chuột, mướp đắng, khoai sọ, khoai lang, sắn và các loại hành, răm, kinh giới, mùi, tía tô, ngổ, gừng, tỏi, riềng, sả, ớt... đến bánh chưng, bánh tét, giầy giò, nem chua... gần như mặt hàng nào cũng có, vừa tươi mới vừa phong phú đến ngập mắt.

Berlin hiện có hai trung tâm thương mại lớn là Đồng Xuân Centre và Trung tâm thương mại Thái Bình Dương (ITC). Sự tồn tại và phát triển của hai trung tâm này đã và đang tạo việc làm và đảm bảo cuộc sống cho hàng ngàn bà con người Việt Nam, đồng thời là đầu mối giao thương giữa Berlin với các thành phố khác ở Đức. Mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe thùng của người Việt Nam và người Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và cả người Đức từ các tỉnh lẻ về "ăn hàng" ở hai trung tâm này rồi tỏa đi tiêu thụ ở khắp nơi trên nước Đức.

Tuy lớn là vậy nhưng Trung tâm Đồng Xuân mới chỉ được xây dựng và thành hình hơn chục năm trước, bắt nguồn từ chính người giám đốc của khu chợ bán buôn và hàng tiêu dùng nhỏ lẻ ngày ấy, khi anh Nguyễn Văn Hiền, thời đó quản lý chợ Đồng Xuân nêu quyết tâm với Hội đồng quản trị là sẽ xây dựng chợ thành một Trung tâm Thương mại và Văn hóa của người Việt Nam ở Berlin nói riêng và trên toàn lãnh thổ Đức nói chung. Khi đó nghe thật khó tin, bởi có biết bao khó khăn, trở ngại ở phía trước.

Nhiều trung tâm thương mại của người Việt dựng lên ở các phố Rhin 139, Rhin 100, Marzahn 19... cũng đã hoạt động rầm rộ một thời gian ngắn rồi lần lượt chết yểu. Một phần do hoàn cảnh lúc đó, song chủ yếu là do cách tổ chức chỉ mang tính thương mại thuần túy, tạm bợ và thiếu tư duy phát triển tổng thể lâu dài. Nhưng dù sao đó cũng là những lần tập dượt để lại kinh nghiệm quý báu cho thành công của các trung tâm thương mại quy mô lớn của người Việt Nam hiện nay ở Berlin và các thành phố Leipzig, Magdeburg, Dresden...

Đại gia Việt xây chợ bên Tây

Hầu hết người Việt ở Đức đều biết đến tiếng tăm của ông Nguyễn Văn Hiền, chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm thương mại Đồng Xuân - trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại thủ đô Berlin và trên toàn nước Đức.

Trung tâm thương mại Đồng Xuân do ông làm chủ có tổng diện tích lên tới 18ha trong đó khu kinh doanh chia làm 4 dãy nhà lớn rộng khoảng 40.000m2. Ở đây các hộ buôn bán hầu hết là người Việt Nam, ngoài ra còn có nhiều người ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Đức thuê. Hầu hết các mặt hàng được nhập từ Việt Nam và các nước châu Á, một phần từ châu Phi và vùng Trung Đông, và phần nhỏ nữa do chính các nhà máy và xí nghiệp tư nhân nhỏ ở nước sở tại cung cấp.

Bởi vậy mà phần lớn các mặt hàng vẫn thường có ở Việt Nam và quen thuộc đến mức người ta đã từng nói khi vào Trung tâm Thương mại Đồng Xuân như “lạc vào Việt Nam” ngay trên đất Đức. Ngoài ra ông còn đang đầu tư khoảng 30 triệu euro để xây dựng một trung tâm văn hóa, kinh tế tại quận Lichtenberg, Berlin, nhằm quảng bá văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam tới bạn bè Đức.

Ông Hiền chia sẻ: "Thời kì đầu mới thành lập Đồng Xuân, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vượt lên những khó khăn đó, đặc biệt là nhờ sự ủng hộ quý báu và nhiệt thành của bà con mới có được thành công như ngày hôm nay". Vài năm sau ngày thành lập, nhận thấy tiềm năng và giá trị của Đồng Xuân Center, một số công ty bán lẻ lớn ở Đức đã hỏi mua lại nhưng ông không bán, bởi ông nghĩ rằng:“Tôi muốn người nước ngoài, đặc biệt là người Đức hiểu rằng người Việt cũng có chỗ kinh doanh hiện đại riêng của mình.

Từ trước đến giờ, người Việt mình kinh doanh chủ yếu ở những khu nhà cũ, nhếch nhác, phần nào đưa ra hình ảnh không đẹp về người Việt Nam. Đồng Xuân không đơn thuần là nơi kinh doanh mà còn là địa chỉ văn hóa Việt Nam, niềm tự hào của tất cả cộng đồng”.

Đài phát thanh quốc tế nước Anh BBC đã từng nhắc đến và mô tả Trung tâm Đồng Xuân là "lớn và hiện đại theo quy mô công nghiệp, được quản lý và điều hành chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm châu Âu, nhưng mang đậm bản sắc và hương vị văn hóa Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung". BBC cũng chỉ dẫn rằng "đây đã và sẽ là một khu du lịch văn hóa, ẩm thực to lớn, bên cạnh môi trường kinh doanh náo nhiệt nhưng trật tự của nó".

Quay ngược lại lịch sử, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết: "Trung tâm thương mại Đồng Xuân đầu tiên được thành lập tại thành phố Leipzig vào năm 1997 với thuận lợi là lúc đó cộng đồng người Việt chuyển từ làm việc tại các xí nghiệp sang kinh doanh, buôn bán. Vì vậy nhu cầu về vị trí kinh doanh của bà con rất lớn để tôi thành lập khu trung tâm thương mại dành cho người Việt”. Vài năm sau đó, trên cơ sở kinh nghiệm và quan hệ làm ăn có được từ Leipzig, ông cùng với bạn bè quyết định thuê nhà kho để mở mô hình Trung tâm Thương mại Văn hóa ở Berlin, với những thuận lợi về pháp luật và được sự ủng hộ nhiệt tình của quận Lichtenberg, trung tâm thương mại Đồng Xuân Berlin chính thức khai trương từ năm 2002.

"Vào thời điểm đó tại Berlin cũng có một trung tâm thương mại được khai trương, điều đó đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh của chúng tôi. Có thể nói, Trung tâm thương mại Đồng Xuân không có cạnh tranh thì không có được như ngày hôm nay. Và đặc biệt, thuận lợi lớn nhất vẫn là sự ủng hộ của bà con cộng đồng dành cho Đồng Xuân", ông Hiền tâm sự. "Khi kinh doanh thì mình phải nắm chắc pháp luật của nước sở tại, đồng thời tôn trọng những nét văn hóa đặc biệt của người bản xứ. Và hơn hết, phải yêu nghề và tâm huyết với nghề. Doanh nghiệp luôn phải tạo ra được lòng tin với đối tác. Và cuối cùng là phải bền bỉ, ý chí cao và quyết đoán trong công việc".

Hướng về quê hương

Chỉ bước qua cổng chợ mươi mét thôi, hương vị thịt nướng của bún chả, nước dùng của phở đã bốc lên thơm ngào ngạt, hấp dẫn khiến những người Việt Nam tha hương, nhất là vào dịp Tết, thêm nhớ về quê cha đất tổ. Không hiếm người chỉ thèm một tô phở cũng tới Đồng Xuân, lại có người đến đây không phải để mua bán gì mà mục đích chỉ để gặp gỡ nói với nhau vài câu tiếng Việt cho đỡ nhớ. Nhiều người quen biết đấy, song cả năm không có điều kiện tới nhà thăm nhau, nhưng lại thường xuyên gặp nhau ở Đồng Xuân, ngồi với nhau trước ly bia và đĩa tái dê trao đổi dăm ba câu chuyện về làm ăn, sinh sống, con cái, quê hương và ông bà ở Việt Nam..

Người Đức và nước ngoài khác cuối tuần cũng đổ tới Đồng Xuân khá đông và đều có cảm giác rằng ẩn hiện gần gũi đâu đó một cuộc sống sôi động rất Á Đông ngay trên đất Đức. Họ đến mua sắm không nhiều mà chủ yếu muốn tìm hiểu và hòa nhập vào nếp sinh hoạt của cộng đồng người Việt, thưởng thức các món ăn đặc sắc và hơn nữa là văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Vì thế, Đồng Xuân Centre đã thật sự mang thêm trong mình chức năng cầu nối giao lưu văn hóa và mở rộng tình hữu nghị của cộng đồng người Việt với bạn bè Đức và quốc tế, giúp họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, qua đó tăng cường vị thế Việt Nam trên thế giới mà Đồng Xuân Centre là một nơi đang thực hiện nhiệm vụ đó.

Gần đây, một trong những hướng đi mới của ông Nguyễn Văn Hiền là đưa một phần vốn liếng đã tích lũy nhiều năm đầu tư trở lại vào Việt Nam, mà theo ông "cái thuận lợi lớn nhất đó là quê hương mình, mình nói tiếng Việt và quen biết rộng rãi người Việt trong nước. Tuy có chút khó khăn là khoảng cách nên đi lại xa xôi tốn nhiều thời gian và nền nếp tác phong công việc cũng có phần chênh lệch. Nhưng tất cả những mối lo nhỏ đó sẽ được vài "quỹ đạo" nhanh thôi", ông Hiền cười vui.

"Tôi rất tự hào về người Việt tại Đức, nhiều nhà doanh nghiệp Việt rất thành đạt trong các lĩnh vực khác nhau như nhà hàng, ngành dịch vụ thời trang và làm đẹp hay buôn bán hoa quả tươi..., ngoài ra có nhiều nhà khoa học giỏi và trí thức người Việt đang học tập, nghiên cứu, sống và làm việc tại Đức. Và cái rất đáng tự hào nữa, đó là các cháu sinh ra và lớn lên tại Đức học rất giỏi, nhiều cháu còn giỏi hơn cả các con em người dân sở tại. Cộng đồng người Việt ở Đức sống rất đoàn kết, biết tương trợ lẫn nhau và được người Đức đánh giá rất cao trong việc hội nhập". Đó là những gì ông Nguyễn Văn Hiền gửi gắm thay cho lời chúc một năm mới sắp đến


Nguồn tin: CAND
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn