Video mới nhất

"Văn hóa nhậu" của người Sài Gòn

Đăng lúc: Thứ năm - 20/02/2014 10:47

Đức tính nồng hậu, phóng khoáng của người dân cùng sự phong phú về ẩm thực đã hình thành một nét văn hóa rất độc đáo của người Sài Gòn: Văn hóa nhậu.

Người Sài Gòn vốn nồng hậu, phóng khoáng. Không chỉ có vậy, đất Sài Gòn còn được mệnh danh là thiên đường ẩm thực Việt Nam, bởi lẽ dù lịch sử phát triển không dài nhưng mọi tinh hoa ẩm thực đều được mang tới, thăng hoa tại mảnh đất này. Đức tính của người dân cùng sự phong phú về ẩm thực đã hình thành một nét văn hóa rất độc đáo của người Sài Gòn: Văn hóa nhậu.

'Văn hóa nhậu' của người Sài Gòn 1  

Đến với thành phố không ngủ, đặc biệt là ban đêm, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp với những quán nhậu trải dài từ hẻm nhỏ ra đến đường lớn. Thành phố hoa lệ này đón tiếp bạn bè tới thăm bằng những câu thăm hỏi trên bàn ăn uống. Văn hóa nhậu của người Sài Gòn hào phóng, sôi nổi như chính con người nơi đây. Người Sài Gòn cũng không tự bó buộc mình trong một quy chuẩn nào trên bàn nhậu, nơi đâu cũng có thể nhậu nhưng ưa chuộng hơn cả là những không gian sân vườn rộng thoáng, cảnh sắc giản dị. Điều này có phần khác biệt với nếp sinh hoạt ưa thẩm mỹ và sự cầu kì của người miền Bắc.

'Văn hóa nhậu' của người Sài Gòn 2

Văn hóa nhậu ở Sài Gòn không có nhiều khác biệt ở các tầng lớp. Từ công nhân viên chức, dân kinh doanh tới người lao động đều có thể cởi mở tấm lòng, “nhậu tới bến” trong cuộc rượu. Có khi chỉ cần dăm ba đĩa mồi đơn sơ, nồi lẩu nước lèo ít cái hay bất cứ thứ gì lai rai được là cuộc nhậu đã được hình thành…xuyên đêm. Vậy mới nói, người Sài Gòn có cá tính rất Sài Gòn, không tiểu tiết cầu kì, không nghi lễ xa hoa; họ sống, tận hưởng cuộc sống hết mình. Cái họ đề cao trong bàn nhậu là tình cảm, lòng mến khách, tinh thần đoàn kết hơn là sự trang trọng trong đồ ăn, thức uống.

'Văn hóa nhậu' của người Sài Gòn 3

Cạn chén là một “bộ luật bất thành văn” duy nhất của xã hội Việt Nam hôm nay và được áp dụng rất “nhất trí.” Gặp người quen: nhậu, gặp người lạ mời: cứ nhậu trước rồi khắc quen sau. Vậy nên người Sài Gòn dường như bày tỏ hết mình nhất, say mê nhất là trong những cuộc nhậu. Có hàng trăm lí do để bạn có thể được một ai đó rủ nhập cuộc nhậu: bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng là nhậu; ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp cũng nhậu; có chuyện vui, buồn lại nhậu; hết giờ làm việc các đồng nghiệp cùng nhau thư giãn cũng nhậu; có khách đến nhà thì nhậu… Ai không muốn nhậu thì bị coi là “chơi không vô”, “không cùng hội cùng thuyền”, thuộc loại “cần phải đề phòng” …

'Văn hóa nhậu' của người Sài Gòn 4  

Mà cũng không phải chỉ cánh màu râu mới biết đến “xỉn”. Đến thành phố này, bạn cũng có thể bắt gặp những ánh mắt lấp lánh, giọng nữ cao vút trên mỗi bàn tiệc nhậu. Phụ nữ Sài Gòn vô cùng niểm nở và phóng khoáng, họ vui cùng niềm vui của nam giới. Một khi đã nhập cuộc là phải thật lòng, phải mê, phải…say hết mình.

'Văn hóa nhậu' của người Sài Gòn 5

Người Sài Gòn coi nhậu như một phương thức giao tiếp đặc biệt, là cách để bày tỏ tình cảm, lòng mến khách hay văn hóa của bản thân. Dù “những cuộc vui thâu đêm” đôi lúc có mang lại chút “phiền” nho nhỏ khi kết thúc, nhưng dẫu sao những cuộc nhậu cũng khiến con người ta xích lại gần nhau hơn, củng cố tình người, thêm yêu thương, gắn bó với mảnh đất phồn hoa và những giá trị cuộc sống.

 


Nguồn tin: Depplus.vn/MASK
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết