Video mới nhất

Nhớ mâm cơm "thời bao cấp"

Đăng lúc: Thứ năm - 20/02/2014 21:56

Bao cấp là thời điểm khó khăn và cũng là thời điểm lưu giữ nhiều dấu ấn trong lòng những ai đã từng sống trong thời kì đó. Có hiểu hơn về ngày hôm qua thì mới thấy yêu thêm những giá trị của ngày hôm nay. Một mâm cơm thời bao cấp với bánh bo bo, gạo mậu dịch, chạch trấu om trám, tem phiếu sẽ là những hoài niệm về một thời bao cấp chưa xa.
Hình ảnh tái hiện mâm cơm thời bao cấp (ảnh: internet)

Thời bao cấp đi qua đã khá lâu nhưng những hình ảnh về con người, những quyển sổ lương thực, tờ tem phiếu đến hình ảnh dòng người xếp hàng chờ mua thực phẩm đểu làm sống lại một thời không dễ quên. Đối với thế hệ sinh sau năm 1986, thật khó có thể hình dung một thòi bao cấp mà cha anh đã trải qua. Những ấn tượng về cuộc sống ngày ấy khiến nhiều người vẫn ước gì có thể quay ngược thời gian để chứng kiến câu chuyện chỉ có ở một thời…


 
Sổ gạo...


...cùng phiếu mua thực phẩm quý giá một thời (ảnh: GDVN)
 
Mâm cơm thời bao cấp cũng có vị ngon riêng của một thời gian khó. Nếu được sống trong không gian tái hiện lại thời kì đó, mỗi món ăn được thưởng thức sẽ là một trải nghiệm thú vị, khó quên. Đến cửa hàng ăn uống mậu dịch thời bao cấp, bắt buộc phải mua tem phiếu. Mỗi chiếc tem tương ứng với một món ăn. Trên mỗi tấm tem phiếu đều có kí hiệu riêng như khác biệt về màu sắc, chữ cái đánh dấu để phân biệt giữa đồ ăn và đồ uống. Tem phiếu làm mất không được cấp lại nên mỗi gia đình đều coi tấm tem phiếu như báu vật trong nhà. Có lẽ câu nói “buồn như mất sổ gạo” cũng bắt nguồn từ thời kì đó.



Bữa cơm "tem phiếu" (ảnh: Nhahanghanoi)
 
Những món ăn thời bao cấp sẽ khiến không ít con tim bồi hồi khi được thưởng thức lại. Này là dưa xào tóp mỡ với vị chua chua ngậy ngây, là canh rau tập tàng với đủ vị thanh mát nơi thôn quê, này là niêu cá chép kho tương vị mặn mà đưa cơm, này là đôi ba lát đậu nhúng hành thơm thoang thoảng, rồi bát cà gợi nhớ những câu ca dao xưa. Nhớ làm sao, thân thuộc làm sao mỗi món ăn thời xa lắm.



Dưa xào tóp mỡ (ảnh: TTO)
 
Nguyên lý chế biến thức ăn thời bao cấp là tận dụng mọi thực phẩm dân dã có được, thêm những gia vị quanh vườn nhà, qua bàn tay tài tình và yêu thương của mẹ, của chị trở thành những món ăn đầy sáng tạo như cá thầu dầu nấu dưa, bì trâu xào rau muống, hoa chuối nấu trai. Đó còn là món nộm hoa chuối để khai vị theo phong cách phối trộn chua, cay, mặn, ngọt đủ cả ngũ hành của người phương Đông.



Nộm hoa chuối (ảnh: internet)
 
Rồi những con ốc bươu gợi nhớ thuở thiếu thời sơ tán ai đã lặn lội ruộng sâu cho mấy đứa em có bữa chiều cải thiện. Nay thì dưới bàn tay khéo léo và cách chế biến cầu kỳ của đầu bếp, băm nhuyễn với gia vị, rán cho dậy mùi, rồi lại cuộn trong giấy bạc rán lại một lần nữa - chúng đã trở thành món chả ốc độc đáo, ngon miệng. Nhẩn nha một miếng chả ốc để thấy cái vị đăng đắng, giòn ngọt của ruột ốc hòa với bao hương vị cây trái quê nhà. Món chả ốc được chế biến kì công, hương vị ngon đặc biệt không kém bất kì thứ cao lương mĩ vị nào.



Chả ốc có cách chế biến cầu kì (ảnh: internet)
 
Chạch trấu om trám thì đích thị là một sáng tạo đầy tinh tế của các bà nội trợ Việt Nam. Cái chua, chát của quả trám với vị béo, bùi của cá chạch trấu hòa quyện, ngấm vào nhau làm thành món đưa cơm bậc nhất.Một niêu chạch trấu om trám thơm lừng như gợi nhớ trong ra nét thân thuộc của những món ăn quê nhà.



Cơm độn cũng là đại diện của thời kì bao cấp (ảnh: TTO)
 
Đại diện cho thời bao cấp với tem phiếu, gạo mậu dịch là các món cơm độn: cơm độn khoai, độn sắn, độn mì sợi.Có những ai đã từng ăn món này mà không nhớ mãi. Xưa người ta ăn cơm độn nhiều đến mức có thể chế thành nhiều loại cơm độn ăn còn ngon hơn cả gạo thuần túy.Hoặc thái khoai sắn tươi trực tiếp vào nồi cơm; hoặc thái khoai sắn đem phơi khô rồi đem bẻ nhỏ rắc vào nồi cơm khi gần cạn, hoặc sắc bột ngô ghế với cơm. Càng nhai kĩ, càng cảm nhận được vị ngọt bùi trong cơm và khoai.

Ngày nay cũng có nhiều hàng quán phục vụ các món ăn ghi dấu ấn một thời, điều đó cho ta thấy nét xưa còn ghi dấu mãi trong dòng chảy hiện đại:

Nhà hàng “Ngoại Ô” : Những món ăn thời chưa xa được nâng cấp cả về chất lượng và thẩm mĩ tại cửa hàng có tên dân dã này. Các món ăn ở đây ngon về hương vị, hài hòa về màu sắc, làm sống lại hoài niệm của những thực khách đã từng sống ở thời kì bao cấp, cũng là sự sẻ chia giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về ngày hôm qua để cảm nhận hết giá trị của ngày hôm nay. Trong không gian ngoại ô đầy kỉ niệm, thực khách có thể cùng bạn bè thưởng thức lại những món ăn của một thời hàn vị, gian khó.


 
Địa chỉ: Nhà hàng Ngoại Ô – số 19 Nguyễn Gia Thiều, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cửa hàng Mậu dịch 37: Giữa lòng thủ đô hoa lệ, có một cửa hàng hiếm hoi tái hiện lại hầu như đầy đủ văn hóa ẩm thực của một thời bao cấp, đó là cửa hàng Mậu dịch số 37. Trong không gian đậm chất hoài cổ, những câu khẩu hiệu và những món đồ trưng bày giá trị đã khiến thực khách thích thú với những kí ức thời bao cấp tại cửa hàng. Một không gian xưa giữa lòng Hà Nội, cửa hàng Mậu dịch số 37 đang làm sống lại một thời bao cấp của Hà Nội. Chủ quán đã mất 5 năm để sưu tầm lại các hiện vật cũ, từ chiếc xe đạp cũ, đôi dép cao su, chiếc bát, cái ca sắt tráng men tới những chiếc đài cát sét.Tiếng đài cát sét cũ lại càng khiến không gian cửa hàng đậm chất hoài niệm của những năm trước đổi mới. Cửa hàng cũng tái hiện lại không gian mậu dịch bằng cách gọi đồ bằng tem phiếu mang lại trải nghiệm thích thú cho thực khách.



Đi tìm văn hóa ẩm thực thời bao cấp


 

Nguồn tin: Depplus.vn/MASK
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết